Hội nghị được tổ chức vào sáng ngày 17/01/2019, tại Hội trường Trung tâm Y tế huyện (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo) với sự tham dự của hơn 70 đại biểu, gồm: Thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm huyện; lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện; lãnh đạo UBND các xã, thị trấn; Ban Giám đốc, lãnh đạo các Khoa, Phòng chuyên môn thuộc Trung tâm Y tế huyện; lãnh đạo và viên chức phụ trách công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của Trạm Y tế các xã, thị trấn.
Thay mặt Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm huyện, bác sỹ Thái Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm huyện trong năm 2018 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2019 tại Hội nghị. Theo đó trong năm qua, Ban Chỉ đạo liên ngành đã chủ động trong tham mưu UBND huyện chỉ đạo, điều hành các cơ quan, đơn vị chức năng và chính quyền các địa phương triển khai bao quát, có hiệu quả các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn và đạt những kết quả nổi bật: Công tác tuyên truyền được ngành Y tế đẩy mạnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức phát thanh 1.181 lượt tin, bài trên hệ thống truyền thanh huyện, xã, thị trấn, tổ chức 32 buổi nói chuyện chuyên đề về an toàn thực phẩm thu hút 1.014 người tham dự, treo 67 băng rôn tuyên truyền, cấp phát 93 tờ rơi, tờ gấp, 07 băng đĩa hình, 49 băng đĩa âm cho các xã, thị trấn; thành lập 44 Đoàn kiểm tra liên ngành (tuyến huyện 04 Đoàn, tuyến xã 40 Đoàn), 10 Đoàn kiểm tra, giám sát chuyên ngành để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm đối với 832 lượt cơ sở, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 51 cơ sở, với tổng số tiền 66.400.000 đồng, tiêu hủy 07 loại/57 sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn; tổ chức tập huấn, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho 357 người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm (lũy kế đến nay là 832/ 893 người, đạt 93,2%); thẩm định và cấp 52 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 06 Giấy xác nhận cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm cho cơ sở kinh doanh thực phẩm, 01 Giấy phép cho cơ sở sản xuất rượu thủ công, 32 Bản cam kết sản xuất thực phẩm an toàn cho cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; lấy 39 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm (bằng test nhanh) các chỉ tiêu nhằm chủ động phát hiện, cảnh báo cộng đồng về an toàn thực phẩm, kết quả 39/39 mẫu thực phẩm đều đạt, chưa phát hiện các chất cấm trong các mẫu kiểm nghiệm. Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Ban Chỉ đạo cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế mà công tác đảm bảo an toàn thực phẩm còn mắc phải, đó là: Công tác tham mưu và nắm bắt công việc của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thời gian đầu còn hạn chế (do giải thể Phòng Y tế và giao nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm cho Trung tâm Y tế huyện); việc triển khai công tác cấp Bản cam kết đảm bảo ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố còn hạn chế, số lượng được cấp Bản cam kết đạt thấp; nhân lực làm công tác đảm bảo ATTP ở Trạm Y tế xã, thị trấn thiếu và thường xuyên thay đổi; kinh phí cấp cho công tác đảm bảo ATTP giảm so với năm trước cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ thực hiện; việc xử lý vi phạm hành chính về ATTP ở tuyến xã chưa được thực hiện nên hiệu quả răn đe, ngăn ngừa vi phạm hành chính chưa cao; công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật và kiến thức về ATTP tuy được triển khai thường xuyên nhưng chưa phong phú, đa dạng, việc tuyên truyền, phổ biến đến vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.
Cũng tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo đã thông qua Kế hoạch hoạt động năm 2019, làm cơ sở để triển khai mạnh mẽ, thống nhất công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Khắc Vĩnh – Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm huyện đánh giá cao kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo và ghi nhận sự nỗ lực của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo trong tham mưu, triển khai có hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong năm qua. Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế cần kịp thời khắc phục để thực hiện tốt hơn nữa công tác này, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân; do đó trong thời gian tới chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn cần đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó yêu cầu Trung tâm Y tế huyện làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, làm đầu mối triển khai đảm bảo các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và chỉ đạo của cấp trên; rà soát lại việc phân công, phân cấp để tham mưu UBND huyện chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương phù hợp với tình hình thực tế và đúng với các quy định của pháp luật hiện hành; tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến quy định và kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, kịp thời phát hiện và tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định nhằm răn đe, chấn chỉnh việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ngăn ngừa vi phạm và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; yêu cầu các cơ quan chức năng (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phòng Kinh tế và Hạ tầng; Đội Quản lý thị trường số 1, Công an huyện; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện) tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo không bỏ sót đối tượng quản lý, không chồng chéo về chức năng, gây phiền hà, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm của tổ chức, cá nhân; giao UBND các xã, thị trấn tập trung rà soát, thống kê thường xuyên số lượng các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố và triển khai các hoạt động kiểm tra, kiểm soát về thức ăn đường phố, đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý./.