Chiều ngày 19/7/2019, PCT.UBND huyện Nguyễn Khắc Vĩnh – Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm huyện đã chủ trì Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 tại Phòng họp B, Trụ sở UBND huyện với sự tham dự của các đại biểu gồm: Ông Trần Minh Tám - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm huyện; lãnh đạo Khoa Y tế công cộng - Dinh dưỡng và ATTP thuộc Trung tâm Y tế huyện; lãnh đạo UBND các xã, thị trấn; lãnh đạo và viên chức phụ trách công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của Trạm Y tế các xã, thị trấn.
Tại hội nghị, bác sỹ Thái Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm huyện trong 6 tháng đầu năm và đề ra phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo liên ngành đã chủ động trong việc tham mưu UBND huyện chỉ đạo, điều hành các cơ quan, đơn vị chức năng và chính quyền các địa phương triển khai bao quát, có hiệu quả các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn và đạt những kết quả nổi bật: Công tác tuyên truyền được ngành Y tế đẩy mạnh với 620 giờ phát thanh trên hệ thống truyền thanh huyện, xã, thị trấn, tổ chức 20 buổi nói chuyện chuyên đề về an toàn thực phẩm thu hút 461 người tham dự, treo 36 băng rôn tuyên truyền, cấp phát 304 tờ rơi, tờ gấp, 03 băng đĩa hình, 24 băng đĩa âm cho các xã, thị trấn; thành lập 27 Đoàn kiểm tra liên ngành (tuyến huyện 05 Đoàn, tuyến xã 22 Đoàn) để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm đối với 294 lượt cơ sở, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 19 cơ sở với tổng số tiền 28.850.000 đồng; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kiến thức an toàn thực phẩm cho 89 người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm; thẩm định và cấp 08 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 01 Giấy phép cho cơ sở sản xuất rượu thủ công,... Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Việc triển khai, cấp Bản cam kết đảm bảo ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đạt thấp; nhân lực làm công tác đảm bảo ATTP ở Trạm Y tế xã, thị trấn thiếu và thường xuyên thay đổi,...
Đánh giá cao sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP huyện cũng như những kết quả đảm bảo ATTP trên địa bàn huyện đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019, ông Trần Minh Tám – PCCT.Chi cục ATVSTP tỉnh cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP huyện trong thời gian tới cần phát huy hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành công tác phối hợp trong đảm bảo ATTP của các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn, đặc biệt nhấn mạnh vai trò, sự phối hợp chủ đạo của 03 cơ quan phụ trách tham mưu quản lý Nhà nước về ATTP là Trung tâm Y tế huyện, Phòng Kinh tế và Hạ tầng và Phòng NN-PTNT; đồng thời, cần phải nắm chắc số lượng, quy mô và tình hình phát triển của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, từ đó mới ban hành các giải pháp triển khai đảm bảo ATTP sát với thực tế, phù hợp với sự phát triển chung của huyện.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Khắc Vĩnh – Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm huyện ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo trong triển khai đảm bảo ATTP trong thời gian qua, đưa công tác đảm bảo ATTP có những kết quả bước đầu. Để nâng cao chất lượng công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn huyện, thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2019, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Khắc Vĩnh – Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm huyện chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATTP bằng hình thức phù hợp; đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ nhằm tăng tính chủ động và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, tạo hiệu quả răn đe, ngăn ngừa vi phạm pháp luật về ATTP; chủ trì, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND các xã, thị trấn tham mưu Ban Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch và tổ chức rà soát, thống kê số lượng, hình thức các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện, trong đó phải phân loại cụ thể từng loại hình cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của từng ngành và của từng cấp nhằm có cơ sở trong quản lý, hoạch định biện pháp thực hiện phù hợp, hiệu quả. Yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện nêu cao trách nhiệm trong triển khai các giải pháp đảm bảo ATTP thuộc ngành quản lý; chủ động trong rà soát, thống kê cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền để phối hợp với cơ quan Thường trực Ban Chỉ động tổng hợp, báo cáo theo quy định. Đối với UBND các xã, thị trấn, cần phát huy vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn quản lý; khắc phục tâm lý nể nang, ngại va chạm vì là “người địa phương”, “người quen” trong thực thi công vụ, đặc biệt là trong xử lý vi phạm pháp luật về ATTP nhằm đảm bảo công tác đảm bảo ATTP thực hiện đúng quy định, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân./.