Hội nghị sơ kết dưới sự chủ trì của ông Trần Văn Vinh – Chủ tịch UBND huyện và sự tham dự của ông Nguyễn Khắc Vĩnh – Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Nguyễn Văn Hải – Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tài chính – Kế hoạch, Văn phòng HĐND và UBND huyện, cùng Hiệu trưởng các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Hùng – Trưởng phòng Nội vụ trình bày dự thảo Báo cáo sơ kết Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các trường học trên địa bàn huyện; theo đó, thực hiện Quyết định số 372-QĐ/HU ngày 20/8/2018 của Huyện ủy Đồng Phú về việc ban hành Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị (Đề án 372), UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 15/10/2018 thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các trường học trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, các trường học tiến hành xây dựng Đề án và UBND huyện phê duyệt tại Quyết định số 1962/QĐ-UBND ngày 24/8/2018 về việc thành lập Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Lợi (trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng Trường Tiểu học Tân Lợi và Trường Trung học Cơ sở Tân Lợi); Quyết định số 1963/QĐ-UBND ngày 24/8/2018 về việc thành lập Trường Tiểu học Thuận Phú (trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng Trường Tiểu học Thuận Phú 1 và Trường Tiểu học Thuận Phú 2); Quyết định số 1964/QĐ-UBND ngày 24/8/2018 về việc sáp nhập Trường Mầm non Tuổi Ngọc vào Trường Mầm non Đồng Tiến.
Sau khi thực hiện Đề án, các trường học sáp nhập, hợp nhất đã giảm số lượng đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập (từ 06 đơn vị xuống còn 03 đơn vị); giảm 05 công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý (từ 14 xuống còn 09 công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý); giảm 03 chức danh Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn thành niên, Chữ thập đỏ (các chức danh này bố trí kiêm nhiệm, không bố trí chuyên trách); giảm 18 người (từ 163 người xuống còn 145 người). Bên cạnh đó, thực hiện việc tinh giản các chức danh văn thư, y tế và nhân viên hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ở tất cả các trường học, huyện đã tinh giản được 207 trường hợp. Hoạt động của các trường học sau khi sáp nhập, hợp nhất đi vào hoạt động ổn định, đảm bảo thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đã đề ra, cụ thể: Chỉ tiêu huy động ra lớp, chỉ tiêu phổ cập trẻ 5 tuổi đều đạt; tỷ lệ học sinh tiểu học hoàn thành chương trình lớp học đạt 98%, học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học đạt 100%; tỷ lệ học sinh THCS lên lớp thẳng đạt 95,9%, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 97,2%. Đồng thời, việc sáp nhập, hợp nhất các trường học tạo quy mô trường lớp lớn hơn, thuận lợi trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát huy hiệu lực, hiệu quản quản lý, có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học.
Mặc dù đạt được những kết quả, thuận lợi nêu trên, tuy nhiên trong quá trình thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, đó là: Việc tinh giản hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP nhưng giao lại 50% kinh phí để thực hiện nhiệm vụ dẫn đến không đủ kinh phí thực hiện giao khoán, đảm nhận hết công việc này trước đây, đặc biệt là đối với cấp dưỡng; một số điểm trường (của các trường học sau khi sáp nhập, hợp nhất) nằm cách xa nhau, có trường có các điểm trường cách xa nhau hơn 19km nên ảnh hưởng đến các hoạt động tập trung (như họp hội đồng chuyên môn, sắp xếp dự giờ; quản lý thư viện, thiết bị; chào cờ, theo dõi thi đua, hoạt động ngoài giờ lên lớp,…); Trường Tiểu học Thuận Phú gặp khó khăn trong duy trì chuẩn quốc gia do vượt số lớp, số điểm trường theo quy định.
Trên cơ sở dự thảo Báo cáo sơ kết Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các trường học trên địa bàn huyện, qua ý kiến của các thành phần dự Hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Vinh – chủ trì Hội nghĩ đã kết luận, chỉ đạo: Qua 01 năm thực hiện thí điểm việc sáp nhập các trường học trên địa bàn huyện cho thấy chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các trường học là đáp ứng yêu cầu khách quan, giúp tinh gọn bộ máy, biên chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trường học. Những kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện thí điểm là cơ sở quan trọng để huyện tiếp tục thực hiện chủ trương của cấp ủy Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các trường học trong thời gian tới; bên cạnh những kết quả mang lại từ quá trình sáp nhập các trường học, vẫn còn những hạn chế, tồn tại và khó khăn cần phải khắc phục và kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp với thực tế nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các trường học đi vào thực chất, hiệu quả. Để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 372 của Huyện ủy và Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 15/10/2018 của UBND huyện, đảm bảo đạt chỉ tiêu đề ra, UBND huyện giao:
1. Phòng Nội vụ tiếp thu ý kiến của các thành phần dự họp, hoàn chỉnh Báo cáo sơ kết Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các trường học trên địa bàn huyện; tham mưu UBND huyện đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế của các trường học đảm bảo đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tế.
2. Phòng Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động của các trường học sau khi sáp nhập (nhất là về hoạt động chuyên môn, chất lượng dạy và học,...); trên cơ sở đó hướng dẫn, hỗ trợ, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
3. Phòng Tài chính – Kế hoạch có văn bản hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về sử dụng kinh phí ngân sách cấp cho các trường học, đặc biệt lưu ý đến việc hướng dẫn sử dụng kinh phí khoán công việc bảo vệ, cấp dưỡng trường học để các trường học thực hiện đúng quy định; chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước huyện kiểm tra việc sử dụng kinh phí cấp cho các trường học chuẩn bị sáp nhập trong năm học 2019 – 2020, đảm bảo chi đúng, chi đủ, tránh việc chi vượt quá định mức hoặc không đúng, ảnh hưởng đến quá trình sáp nhập các trường học; kiểm tra tình hình sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường học, trên cơ sở đó nghiên cứu, tham mưu UBND huyện bố trí cơ sở vật chất hoặc chuyển đổi công năng sử dụng các công trình, thiết bị ở trường học đảm bảo phù hợp, tránh lãng phí.
4. UBND các xã xây dựng Đề án sáp nhập trường, trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định; hỗ trợ, sắp xếp bố trí Hội trường cho các trường học sử dụng họp các Hội đồng chuyên môn hoặc họp cơ quan khi các trường học có nhu cầu.
5. Các trường MN, TH, THCS trên địa bàn huyện phấn đấu, nỗ lực khắc phục khó khăn nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngày càng hoàn thiện và nâng cao chất lượng dạy và học; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để viên chức, người lao động hiểu rõ, đồng tình với chủ trương và Đề án sáp nhập các trường học; đồng thời, trong quá trình thực hiện Đề án có kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền nhằm có giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế hoặc điều chỉnh cho phù hợp quy định và tình hình thực tế; kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị để sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí; đảm bảo an ninh trường lớp, nhất là trong thời gian học sinh, giáo viên nghỉ hè. Chủ động phối hợp với BHXH huyện để thống nhất số liệu đóng, nợ đọng BHXH nhằm tìm ra hướng giải quyết dứt điểm./.