Ngày 19 và 20/10/2016, Đoàn công tác của huyện Đồng Phú do ông Trần Văn Hồng – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy – Chủ tịch HĐND huyện làm Trưởng đoàn đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình chăn nuôi bò thịt hiệu quả tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến tre.
Tham gia cùng Đoàn có đại diện các cơ quan: Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân huyện, Phòng Tài chính – Kế hoạch, Trạm Chăn nuôi – Thú Y, Trạm Khuyến nông huyện cùng 11 nông dân sản xuất giỏi của 11 xã, thị trấn.
Huyện Ba Tri, tỉnh Bến tre có tổng diện tích tự nhiên 360 km
2, dân số: 187.331 người với 52.200 hộ dân, 24 đơn vị hành chính gồm 23 xã và 01 thị trấn; là vùng đất đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến tranh chống Mỹ. Trước năm 1975, Ba Tri là vùng đất nhiễm mặn quanh năm, sản xuất lúa chỉ được 01 vụ/năm, sản lượng thấp (đạt 26.000 tấn/năm), đời sống nhân dân khó khăn. Nhưng sau khi được đầu tư cho phát triển chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi bò thịt được xem là thế mạnh của huyện thì đời sống của người dân trên địa bàn huyện từng bước được nâng lên; huyện đã tập trung cải tạo giống bò Vàng địa phương bằng các dự án, như: Dự án Sind hóa đàn bò giai đoạn 2002 - 2005, dự án ZeBu hóa đàn bò giai đoạn 2005 - 2010; áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo các giống bò chuyên thịt như: Brahman, RedAngus, Limuosine, C-harolais, BBB... Đến nay, tổng đàn bò trên toàn huyện Ba Tri có 91.762 con, trong đó có 60% bò cái sinh sản, còn lại bò nghé và bò vỗ béo; trung bình hàng năm, nông dân xuất bán 30.000 con bò đi các tỉnh lân cận và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Với quy mô nuôi trung bình mỗi hộ từ 05 – 20 con và một số ít trang trại có quy mô từ 100 con trở lên; hàng năm, nông dân xuất bán 40.500 tấn phân bò, đem lại thu nhập khoảng 22 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, huyện rất quan tâm thực hiện các dự án khí sinh học như: Dự án Qseap, dự án “Các bon thấp”, toàn huyện có 4.500 hầm Biogas đã tạo ra một chất lượng đốt đáng kể phục vụ sinh hoạt của người dân và góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Với quỹ đất phát triển sản xuất hạn hẹp, điều kiện khí hậu khắc nghiệt về mùa khô hạn do thường bị xâm nhập mặn; người dân đã khai thác triệt để về sử dụng đất, chuyển 900 ha từ đất trồng lúa kém hiệu quả, đất gò cao, ao đìa, bờ kênh, vườn dừa… để trồng cỏ, tạo ra nguồn thức ăn thô xanh lớn cho bò, góp phần giảm giá thành chăn nuôi. Với hệ thống thủy lợi được đầu tư hoàn chỉnh, hệ thống kênh nội đồng dẫn nước ngọt từ thượng nguồn và hệ thống đê bao, đê biển được kiên cố hóa đã tạo thuận lợi cho người nông dân trong phát triển trồng lúa 02 vụ/năm, diện tích canh tác lúa hàng năm của huyện bình quân 13.200 ha, với sản lượng đạt trên 110.000 tấn/năm đã đem lại một lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, cám gạo...) làm thức ăn dự trữ cho bò.
Đoàn công tác huyện Đồng Phú đã đến tham quan trang trại bò sinh sản của ông Phạm Trần Lưu tại xã An Hiệp, với quy mô có 80 con bò cái sinh sản, 07 con bò đực giống và 42 con bò nghé. Theo ông Lưu, lợi nhuận thu được từ việc xuất bán con giống sau khi trừ các chi phí, trung bình khoảng 500 triệu đồng/năm. Tại đây, đoàn đã được chia sẻ kinh nghiệm trong việc lựa chọn con giống, kỹ thuật phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng đạt hiệu quả cao.
Qua chuyến tham quan thực tế về tình hình phát triển chăn nuôi bò thịt tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến tre đã giúp Đoàn công tác có định hướng đầu tư phát triển chăn nuôi bò thịt, cải tạo chất lượng giống bò trên địa bàn huyện trong thời gian tới nhằm khơi dậy tiềm năng về lao động, đất đai, tạo việc làm thường xuyên, nâng cao thu nhập của người dân; góp phần thực hiện thành công Chương trình đột phá “Nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp” theo Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020./.