TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG BỆNH KHẢM LÁ VI RÚT HẠI SẮN
Thứ năm - 22/11/2018 14:381.4600
Ngày 21/11/2018, UBND huyện Đồng Phú đã ban hành Công văn số 2440/UBND-KT về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh khảm lá sắn (khoai mỳ); trước đó, UBND huyện đã có các văn bản: Công văn 1703/UBND-KT ngày 17/8/2018 và Công văn số 2013/UBND-KT ngày 17/9/2018 chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cùng UBND các xã, thị trấn tăng cường chủ động thực hiện phòng, chống bệnh khảm lá vi rút hại sắn (khoai mỳ) tránh để lây lan trên diện rộng.
Bệnh khảm lá vi rút hại sắn (khoai mỳ) có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV), lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng (Bemissia tabaci) và qua hom giống; trong quá trình chích hút cây sắn (khoai mỳ), bọ phấn trắng sẽ hấp thu và truyền vi rút gây khảm lá từ cây bệnh sang cây khỏe nên khả năng lây lan rất nhanh. Đây là loài côn trùng gây hại trên nhiều loại cây như: Thuốc lá, cà chua, cà pháo….. Người dân khi xuống giống trồng sắn sử dụng lại hom đã nhiễm bệnh cũng là nguyên nhân quan trọng làm lây lan bệnh. Hiện trên toàn tỉnh có khoảng 1.008,1 ha sắn đã nhiệm bệnh, chiếm 8,1%/ tổng diện tích trồng sắn; trong đó huyện Đồng Phú có khoảng 99 ha trồng sắn bị nhiễm bệnh, tập trung chủ yếu ở thị trấn Tân Phú, xã Tân Lập và xã Tân Hòa. Giống cây sắn bị nhiễm bệnh nặng chủ yếu trên giống HL-S11, HL-S12 và nhiễm nhẹ trên giống KM419. Bệnh khảm lá sắn đang có chiều hướng lan rộng và khó kiểm soát, trong khi bệnh chưa có thuốc đặc trị. Để chủ động phòng, chống bệnh khảm lá sắn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, UBND huyện đã yêu cầu Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tập trung theo dõi sát sao tình hình diễn biến phát sinh của dịch bệnh, tập huấn và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sắn; thông tin tuyên truyền về tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh; cập nhật và báo cáo kịp thời về UBND huyện để có hướng chỉ đạo xử lý. Đối với UBND các xã, thị trấn vận động người dân tiêu hủy hom sắn bị bệnh sau khi thu hoạch xong bằng cách gom lại, tưới dầu và đốt; tuyên truyền khuyến cáo người dân không sử dụng cây sắn đã nhiễm bệnh làm giống, không mua, vận chuyển hom sắn từ vùng có dịch về trồng, sử dụng giống ít nhiễm bệnh trồng thay thế, như: KM94, KM419, KM140; rà soát diện tích trồng mới (vụ Đông Xuân), nếu có phát hiện sắn bị bệnh nặng từ hom giống thì vận động người dân cương quyết nhổ bỏ hoặc cày vùi, sau 15 ngày nếu tiếp tục mọc mầm thì tiến hành phun thuốc cỏ cháy để tiêu diệt mầm bệnh, tránh lây lan dịch bệnh ra diện rộng; giám sát chặt chẽ việc mua, bán đưa hom giống bị bệnh ra khỏi vùng bị dịch bệnh thuộc địa bàn quản lý./.