Duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Điểm Giao dịch xã sẽ giúp khách hàng là người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, các dịch vụ do NHCSXH cung cấp, tiết giảm chi phí đi lại và tăng cường sự kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội của chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể tại địa phương. Qua đó cho thấy Điểm giao dịch xã là một trong những đặc thù mà chỉ có ở NHCSXH. Hiện tại NHCSXH huyện đã thành lập 11/11 Điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND các xã, thị trấn, hoạt động giao dịch được thực hiện ít nhất 01 lần/tháng vào các ngày cố định trong tháng. Tại các Điểm giao dịch xã hơn 99% các giao dịch về thu nợ, thu lãi, giải ngân, nhận tiền gửi tiết kiệm của tổ viên được thực hiện tại đây, chính vì vậy đã góp phần giảm chi phí đi lại cho khách hàng cũng như các thành phần khác tham gia giao dịch với ngân hàng. Tại các Điểm giao dịch xã NHCSXH huyện đã công khai chính sách tín dụng ưu đãi, thủ tục giải quyết công việc, số liệu hoạt động đang triển khai để các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và người dân cùng tham gia giám sát đảm bảo công khai, minh bạch.
NHCSXH huyện tuân thủ chặt chẽ quy trình nghiệp vụ không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng tại Điểm giao dịch xã, hoạt động của NHCSXH luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của NHCSXH cấp trên, các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác và Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Với tinh thần làm việc “phục vụ tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã", NHCSXH đã luôn đồng hành sát cánh để mang nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Đồng Phú.
Nhờ tổ chức tốt các phiên giao dịch tại các Điểm giao dịch xã. Thời gian qua chất lượng hoạt động tín dụng chính sách cấp xã, chất lượng hoạt động ủy thác tại NHCSXH huyện được nâng lên rõ rệt. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến ngày 25/4/2025 đạt gần 437 tỷ đồng, tăng gần 30 tỷ đồng so với đầu năm, với 7.953 khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dự nợ, thuộc 181 tổ TK&VV tại 73 ấp, khu phố của 11 xã, thị trấn. Hoạt động của Điểm giao dịch xã được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và được nhân dân đồng tình, ủng hộ, bởi mô hình đặc trưng riêng có của NHCSXH vừa tạo thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận dịch vụ, thông tin về tín dụng chính sách xã hội, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại, vừa đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai, minh bạch, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách tại địa bàn.
Mô hình Điểm giao dịch tại xã của NHCSXH là cầu nối giúp hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, đem đồng vốn ưu đãi đến tay người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và cũng là một trong những nguồn lực đóng góp vào sự thành công của chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt hiệu quả cao.