TỔ CHỨC HỘI NGHỊ CHUYÊN ĐỀ MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH NĂM 2018 TẠI HUYỆN ĐỒNG PHÚ
Thứ sáu - 14/12/2018 16:071.1950
Nằm trong chuỗi các hoạt động thực hiện Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 16/5/2017 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Phước và Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 20/6/2017 của UBND huyện về việc triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn huyện Đồng Phú; ngày 21/11/2018, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú tổ chức Hội nghị chuyên đề mất cân bằng giới tính khi sinh tại Hội trường Trung tâm Y tế huyện.
Với sự tham dự của hơn 80 đại biểu gồm: Lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh; Ban Giám đốc, lãnh đạo Phòng DS-KHHGĐ, Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú cùng viên chức quản lý, viên chức phụ trách công tác DS-KHHGĐ, cộng tác viên DS-KHHGĐ của 11 xã, thị trấn trong toàn huyện và sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện. Báo cáo chuyên đề “Mất cân bằng giới tính khi sinh – thực trạng và giải pháp” tại Hội nghị, ông Bạch Sỹ Long – Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ đã nêu bật thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Theo đó, tỷ số giới tinh khi sinh được xem là cân bằng khi chỉ số giới tính khi sinh đạt 103 - 107 trẻ nam/ 100 trẻ nữ; tuy nhiên, từ năm 2010 trở lại đây, tỷ số giới tính khi sinh thường xuyên biến động và có chiều hướng tăng nhanh sự chênh lệch tỷ số này (nếu năm 2010, tỷ số giới tính khi sinh nằm trong ngưỡng bình thường khi đạt 104 nam/ 100 nữ, thì các năm 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016 và năm 2017, tỷ số này biến động và có chiều hướng vượt ra khỏi trị số cân bằng với lần lượt các năm đạt 109, 111, 107, 112, 111, 112,2 và 112,2 nam/ 100 nữ). Dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân đầu tiên và có ý nghĩa quyết định đó là bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại cả trong ý thức và hành động của một bộ phận dân cư với tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, thích con trai hơn con gái, mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, tạo nguồn thu nhập chính trong gia đình và chăm sóc bố mẹ khi tuổi già; bên cạnh đó, chế độ an sinh xã hội chưa bảo đảm, đặc biệt là đa số người già không được hưởng lương hưu, dẫn đến tư tưởng coi con trai là chỗ dựa tốt hơn về mặt tài chính; sự lạm dụng của các thiết bị hiện đại cho phép biết trước giới tính thai nhi; nhận thức của người dân về hậu quả của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh còn hạn chế; chưa thực hiện tốt pháp luật có liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi cũng là những nguyên nhân gây nên tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Việc mất cân bằng giới tính khi sinh gây nên những hậu quả đối với xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước, đó là vấn đề khủng hoảng “thừa nam giới”, gây ra tình trạng nam giới khó lấy vợ, nhiều người kết hôn muộn, hoặc không kết hôn, không chỉ làm thay đổi cấu trúc dân số, tan vỡ cấu trúc gia đình mà còn có thể kéo theo những hệ lụy về an ninh trật tự xã hội; một số ngành nghề sẽ bị thiếu hụt lao động như: Giáo viên mầm non, tiểu học, hộ lý, y tá… Đồng thời, điều đó còn làm gia tăng những vấn đề về bất bình đẳng giới; gia tăng tỷ lệ tội phạm về cưỡng dâm, hiếp dâm, bắt cóc, mua bán phụ nữ, trẻ em,… Trên cơ sở đánh giá tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh, Báo cáo chuyên đề đưa ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên, cân bằng; trong đó, tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác dân số, xác định công tác DS-KHHGĐ là một trong các nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tổ chức tốt các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, đặc biệt là tích cực tuyên truyền các quy định, chế tài của pháp luật đối với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi và những hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh đối với gia đình và xã hội; ngành Y tế cần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ và cộng tác viên làm công tác DS-KHHGĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; huy động sự tham gia Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh, thực hiện tốt vấn đề bình đẳng giới. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh: Mất cân bằng giới tính khi sinh hiện là chủ đề nóng của dân số Việt Nam. Nếu không có những giải pháp can thiệp kịp thời, Việt Nam có thể lâm vào tình trạng khủng hoảng thừa khoảng 2,3 đến 4,3 triệu nam giới trong khoảng 15 năm tới, làm tăng khoảng cách về bất bình đẳng giữa nam và nữ trong xã hội, cũng như gây rất nhiều hệ lụy về mặt xã hội, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm về triển khai giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của các quốc gia trong khu vực cũng như của các tỉnh trong toàn quốc. Xác định tầm quan trọng của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú đã chủ động, phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị chuyên đề “Mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2018” nhằm đánh giá thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay trên địa bàn tỉnh, qua đó đề xuất các giải pháp căn cơ, toàn diện để giải quyết có hiệu quả vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, cũng như tiếp thu các ý kiến đóng góp của quý vị đại biểu dự Hội nghị để bổ sung vào chương trình hành động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, đảm bảo thực hiện khả thi và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương./.
Tác giả: Phương Thảo - Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú