GẶP GỠ NGƯỜI CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN NĂM XƯA

Thứ hai - 09/05/2016 16:24 1.437 0
62 năm trôi qua, các chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa, nay đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng họ vẫn nhớ nguyên vẹn những ký ức về ngày tháng chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ và xúc động, tự hào khi nhớ về chiến dịch năm ấy.
Kể cho chúng tôi nghe về một thời tham gia chiến dịch, ông Phạm Hữu Dụ, sinh năm 1930, ngụ tại ấp Chợ xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú bồi hồi nhớ lại: Tôi vốn sinh ra ở Thái Thụy, Tỉnh Thái Bình, nhập ngũ khi vừa tròn 19 tuổi, năm 1953 được cử tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đó, tôi ở lữ đoàn 374 sư đoàn 351 pháo binh làm nhiệm vụ kế toán pháo, tính cự ly, tính ly giác các mục tiêu của địch giúp Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo tác chiến kịp thời hơn, chính xác hơn và chắc chắn hơn. Tháng 1-1954, tôi cùng với anh em trong đơn vị được giao nhiệm vụ kéo pháo vào trận địa. Sau đó, nhận được thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay đổi cách đánh từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”, chúng tôi lại kéo pháo ra. Kéo vào đã vất vả, kéo ra còn nguy hiểm, gian nan gấp bội. Địch phát hiện ra đường hành quân của quân ta, chúng thả bom bắn phá ác liệt. Khi đưa pháo xuống dốc, bộ đội luôn phải ghìm chặt đầu pháo và cho pháo lăn xuống từ từ, bởi một bên là núi cao, một bên là vực sâu, chỉ một phút lơi tay ghìm, hoặc chèn không cân là có thể cả khối thép đồ sộ sẽ lôi theo hàng chục người xuống vực. Nhiệm vụ rất nặng nề nhưng chúng tôi đều quyết tâm để việc kéo pháo ra thành công đúng kế hoạch.
Gian khổ, khó khăn chồng chất nhưng không làm sờn lòng các chiến sĩ Điện Biên năm ấy. Ông kể lại: Điện Biên tháng tư vào mùa mưa, dưới hầm hào toàn bùn đất bê bết mà không tìm đâu ra nước tắm gội. Nhưng có lẽ, khó khăn lớn nhất của chúng tôi trong thời gian ấy là lương thực. Cơm mỗi ngày hai nắm, anh nuôi phải mang ra rất sớm, nếu đến muộn sẽ bị máy bay oanh tạc, thực tế có những hôm bị trúng đại bác, anh nuôi bị thương, anh em phải nhịn đói hoặc ăn gạo rang. Cứ hai, ba ngày, chúng tôi lại cắt cử anh em lên rừng đào củ mài, rau tàu bay để ăn qua ngày. Thế nhưng, tuyệt nhiên chưa bao giờ trong chúng tôi nảy sinh một tâm lý chán chường, tự bản thân ai cũng động viên lẫn nhau hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao phó.
                               
                                                 Ông Phạm Hữu Dụ
Kỷ niệm nhớ nhất của ông là khi tham gia đánh trận Him Lam, trước giờ nổ súng, Khi di chuyển, mọi người phát hiện nòng pháo vướng vào thành công sự, không đủ xạ giới. ông cùng đồng đội được lệnh điều chỉnh hướng bắn để phá thành công sự. Nòng pháo được chỉnh hướng bắn nhưng đường đạn lại bị một cây đại thụ chắn tầm cách đó hơn 1 km. Phương án được đưa ra là dùng thuốc nổ phá cây, nhưng để đảm bảo bí mật, bất ngờ cây sẽ được phá cùng lúc pháo nhả đạn. Nhưng khi tiếng pháo vừa dứt, không thấy trinh sát báo kết quả về, đợt thứ nhất không thành công. Rút kinh nghiệm từ quả đạn đầu, pháo được chỉnh lại cự ly theo tin trinh sát báo về. Loạt đạn thứ hai được bắn đi, cả khẩu đội hồi hộp và vỡ òa khi nhận tin phát đạn trúng mục tiêu, hạ gục cột cờ trong cứ điểm Him Lam. Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh tất cả các đơn vị pháo tiếp tục đồng loạt bắn phá Him Lam, làm địch tê liệt hoàn toàn, tạo điều kiện cho bộ binh Sư đoàn 312 tấn công tiêu diệt cứ điểm.
Tiếp tục tham gia trận đánh ở đồi A1, ông nhớ lại:  Để đánh thắng cứ điểm Đồi A1, quân đội ta phải đánh đến 2 lần. Lần đầu không đánh được, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã họp và thay đổi phương pháp đánh địch. Chúng tôi đã thay đổi cách tấn công, bằng cách cho bộ đội áp sát bao vây đồn địch, đào lấn vào sào huyệt chúng. Trong đợt tiến công lần 2, một thời gian biểu mới được áp dụng cho bộ đội là ngủ ngày, đánh suốt đêm. Chúng tôi dùng chiến thuật vây lấn bằng hệ thống giao thông hào dần bao vây, siết chặt, đào hào cắt ngang cả sân bay, vào tận chân lô cốt cố thủ của địch. Khi đã áp sát, bao vây đồn địch, các chiến sĩ dùng phương pháp bắn tỉa. Trong những đợt phản công, địch có những lúc nhảy vào chiến hào, anh em phải thay nhau chiến đấu, người trước ngã xuống, người sau lại tiến lên, chiến đấu giữ từng tấc đất, từng chiến hào, có những thương binh không chịu rời trận địa, thậm chí là bị thương nặng vẫn cầm quả lựu đạn trên tay sẵn sàng sống chết với bọn địch để giành cho được chiến hào.
17h30 ngày 7/5/1954, khi nghe tin tướng Đờ Cát và toàn bộ bộ chỉ huy, binh lực địch ở cứ điểm Điện Biên Phủ đã bị ta bắt sống hoàn toàn. Các chiến sĩ của các đơn vị nhất loạt hò reo vui mừng, hô vang “Hoan hô Bộ đội Cụ Hồ, hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hồ Chủ tịch muôn năm!” 
Hòa bình được lập lại, những con người làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc bây giờ đã bước vào tuổi xế chiều, nhưng khi nhắc đến ký ức về trận đánh Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu họ vẫn không thể nào quên. Trở về cuộc sống đời thường hôm nay, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa luôn sống mẫu mực, xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Tác giả bài viết: Minh Hiền (Đài TT và TH huyện)

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết với ZaLo
Công báo thuộc UBNN Tỉnh
Tra cứu thủ tục hành chính
Lịch công tác của UBNN huyện
Quản lí văn bản
Kế hoạch sử dụng đất
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập50
  • Hôm nay2,271
  • Tháng hiện tại226,453
  • Tổng lượt truy cập16,233,189
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây