Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp rất cần giảm lãi suất

Thứ tư - 31/07/2013 11:41 8.688 0

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp rất cần giảm lãi suất

6 tháng đầu năm thu ngân sách của tỉnh chỉ đạt 37% so với dự toán giao năm 2013. Nguyên nhân thu đạt thấp do hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) chưa phục hồi. Tháo gỡ khó khăn cho DN được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tiếp tục thực hiện trong những tháng tiếp theo. Và hỗ trợ DN vượt khó chính là một trong những giải pháp để tăng thu ngân sách.

DOANH NGHIỆP CÒN RẤT KHÓ KHĂN

6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 803 DN được hỗ trợ vay vốn hơn 4.172 tỷ đồng, dư nợ hơn 6.456 tỷ đồng. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến 71 DN, dư nợ hơn 2.656 tỷ đồng; thương mại - dịch vụ 325 DN, dư nợ hơn 682 tỷ đồng; công nghiệp - xây dựng 148 DN, dư nợ trên 1.198 tỷ đồng; nông - lâm nghiệp 259 DN, dư nợ hơn 1.920 tỷ đồng. Mức lãi suất cho vay được áp dụng giao động từ 12 đến 15%.
 
Dự kiến 6 tháng cuối năm 2013, tổng số DN được hỗ trợ cho vay vốn ngân hàng là 860 DN, dư nợ 7.200 tỷ đồng.

Giám đốc một DN ở tỉnh xin được giấu tên cho biết: Dù từ đầu quý 2 tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các DN đã khởi sắc hơn so với cuối năm 2012 và đầu năm 2013, nhưng các DN đều bán dưới giá thành sản xuất để duy trì hoạt động và trả nợ ngân hàng. Trên thực tế, lãi suất ngân hàng vẫn cao. Các DN đều đã thế chấp toàn bộ tài sản cho ngân hàng. Do hàng tồn kho lớn không tiêu thụ được nên không có tiền trả đúng kỳ, nhiều DN nợ quá hạn, bị xuống hạng trong bảng tín nhiệm vay vốn. Trong lúc DN vay vốn khó thì tiền lương, bảo hiểm xã hội cho công nhân đều tăng.

Theo báo cáo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 21 DN, chi nhánh đăng ký tạm ngừng hoạt động. Lý do chủ yếu là sản xuất không có lãi và trong giai đoạn đầu tư gặp khó khăn về vốn. Có 18 DN đăng ký giải thể, phá sản. Số DN gặp khó khăn tuy có giảm so với cùng kỳ nhưng những tháng qua có 420 DN không hoạt động, trong đó 172 DN đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, còn lại không hoạt động quá thời hạn. Toàn tỉnh hiện còn 3.470 DN đang hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh hơn 29 ngàn tỷ đồng.


Tháo gỡ khó khăn cho DN là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh
Ảnh: Sản xuất gỗ xuất khẩu tại DN Nguyễn Vinh (Chơn Thành)

Do khó khăn chung nên trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh chỉ có 241 DN thành lập mới đăng ký thuế. Số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Cũng theo số liệu quyết toán thuế thu nhập DN năm 2012 của Cục Thuế tỉnh, Bình Phước có 243/3.741 DN báo cáo kinh doanh lỗ, chỉ có trên 28% số DN kinh doanh có lãi (số DN báo cáo kinh doanh lỗ tập trung chủ yếu là nhóm DN ngoài quốc doanh có quy mô nhỏ và vừa). Trong bối cảnh kinh tế chưa có nhiều cải thiện thì số DN kinh doanh lỗ có thể tiếp tục tăng.

GIẢI PHÁP HỖ TRỢ CHƯA QUYẾT LIỆT

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các chi cục thuế huyện, thị xã quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ và Thông tư số 16/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc gia hạn, giảm một số khoản thu nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Theo đó, quý 1/2013 đã gia hạn gần 26,4 tỷ đồng thuế thu nhập DN cho 141 DN, trong đó 137 DN có quy mô vừa và nhỏ, 4 DN sử dụng nhiều lao động. Gia hạn thuế giá trị gia tăng cho 372 DN hơn 41 tỷ đồng. UBND tỉnh đã tổ chức 3 khóa đào tạo nguồn nhân lực cho trên 150 DN. Đối với các DN gặp khó khăn về vốn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Phước đã giải quyết cho 803 DN vay vốn với số tiền hơn 4.712 tỷ đồng...

Về thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, tỉnh đã tạm ứng ngân sách bồi thường giải tỏa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường trục chính của Khu công nghiệp Đồng Xoài III và xây dựng các tuyến đường cấp phối sỏi đỏ tại khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với tổng vốn 11,2 tỷ đồng.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh ngày 17-7, nhiều ý kiến cho rằng giải pháp hỗ trợ chưa thực sự quyết liệt. Muốn cùng DN tháo gỡ khó khăn trong tình hình hiện nay là giúp DN tiếp cận nguồn vốn vay, nhưng nhiều ngân hàng thương mại cổ phần còn giữ lãi suất cao hơn so với ngân hàng thương mại nhà nước. Ví dụ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay lãi suất ngắn hạn là 10,5-11%/năm, nhưng một số ngân hàng thương mại cổ phần đang cho vay với lãi suất từ 12-15%/năm. Vì vậy, cần phải quy định chặt chẽ lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước nên đối thoại với DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn, nhằm loại bỏ cách nghĩ của một số DN cho rằng khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết với ZaLo
Công báo thuộc UBNN Tỉnh
Tra cứu thủ tục hành chính
Lịch công tác của UBNN huyện
Quản lí văn bản
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập48
  • Hôm nay6,088
  • Tháng hiện tại140,808
  • Tổng lượt truy cập17,943,116
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây