Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn huyện
Thời gian gần đây, cả nước xảy ra một số vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hướng đến an ninh trật tự và đời sống của nhân dân. Tại địa bản tỉnh Bình Phước, từ tháng 11/2016 đến nay đã xảy ra 14 vụ cháy, làm chết 03 người, thiệt hại về tài sản 9,5 tỷ đồng. Riêng tại địa bàn huyện Đồng Phú, từ đầu năm đến nay đã xảy ra nhiều vụ cháy tuy không thiệt hại về người nhưng đã gây thiệt hại lớn về tài sản, như vụ cháy Công ty Kim Tín MDF tại thị trấn Tân Phú, cháy vườn cao su, vườn điều tại các xã: Thuận Phú, Đồng Tâm, Tân Phước.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 549/UBND-NC ngày 28/02/2017 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) và nhằm chủ động phòng ngừa, hạn chế việc xảy ra cháy, cháy lan trên địa bàn huyện trong thời gian tới, đặc biệt trong các tháng mùa khô 2017, Chủ tịch UBND huyện đã có Công văn số 460/UBND-NC ngày 17/3/2017 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quan triệt thực hiện nghiêm các yêu cầu, hướng dẫn về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cần huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia. Người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi quản lý của mình. Tập trung chỉ đạo việc xây dựng, kiện toàn lực lượng làm công tác PCCC cơ sở, lực lượng dân phòng, phát động phòng trào toàn dân tham gia PCCC, nhân rộng các mô hình tiên tiến; quan tâm đầu tư trang bị, phương tiện và thực hiện chế độ, chính sách nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng này theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư tại chỗ). Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy lan; tổ chức tập huấn, hướng dẫn và thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC đối với các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị nhất là những nơi có nguy cơ xảy ra cháy như: Cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, chợ, nơi tập trung đông người, trạm chiết nạp, kinh doanh gas, khí đốt đặc biệt là các cơ sở có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và các khu dân cư, nhà liền kề, nhà mặt phố kết hợp kinh doanh, các hộ tiểu thương trong chợ, các hộ có nhà, chòi tranh, lá, vườn điều, vườn cao su… Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Qua đó góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia PCCC đi vào chiều sâu và có hiệu quả thiết thực hơn./.