ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT CÔNG CHỨNG NĂM 2024
Ngày 26/11/2024, Quốc hội khoá XV tại Kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật Công chứng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025. Việc ban hành Luật Công chứng nhằm tiếp tục thể chế đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, góp phần thúc đẩy hoạt động công chứng phát triển, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
I. MỤC ĐÍCH XÂY DỰNG LUẬT
Việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
II. QUAN ĐIỂN CHỈ ĐẠO
Việc xây dựng Luật Công chứng dựa trên các quan điểm sau đây:
1. Tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu BCH TW khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
2. Bảo đảm phân cấp, phân quyền hợp lý; tiếp tục xã hội hóa, giảm tải cho bộ máy nhà nước, tạo cơ chế hoạt động minh bạch; đơn giản thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch trong xã hội, ưu tiên người yếu thế, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đề cao trách nhiệm và vai trò đóng góp của công chứng viên, Tổ chức hành nghề công chứng đối với xã hội.
3. Tiếp tục xác định công chứng không phải là hoạt động kinh doanh đơn thuần mà là một nghề bổ trợ tư pháp; công chứng viên là người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ, được Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm và có chức năng xã hội là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện; hoạt động công chứng phải góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội, nhất là giao dịch về bất động sản, phòng ngừa tranh chấp, khiếu kiện, hỗ trợ hoạt động xét xử; tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và xã hội, qua đó góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
4. Kế thừa, phát triển những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định để phù hợp với điều kinh tế - xã hội hiện nay nhằm nâng cao năng lực công chứng viên, Tổ chức hành nghề công chứng, hiệu quả quản lý nhà nước và vai trò, trách nhiệm tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên; nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện để công chứng nước ta hội nhập quốc tế, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Liên minh công chứng quốc tế.
III. CÁCH QUY ĐỊNH MỚI QUAN TRỌNG CỦA LUẬT CÔNG CHỨNG NĂM 2024
Luật Công chứng năm 2024 gồm 08 chương 76 Điều (giảm 02 chương và 05 điều so với Luật Công chứng năm 2014), với các nội dung mới cơ bản sau đây:
Thứ nhất: Xác định đúng phạm vi công chứng và thẩm quyền của công chứng viên; quy định về các giao dịch phải công chứng
Để khắc phục những bất cập trong quy định của Luật Công chứng năm 2014 về phạm vi hoạt động công chứng và thẩm quyền của công chứng viên, tạo thuận lợi cho việc ký kết các giao dịch, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng, Luật Công chứng năm 2024 có những điểm mới như sau:
(1) Khẳng định rõ công chứng là dịch vụ công, Nhà nước ủy nhiệm cho công chứng viên của một Tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.
(2) Quy định công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản (khoản 1 Điều 2). Với quy định này, việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng, tuy nhiên công chứng viên vẫn có quyền chứng nhận bản dịch với hình thức chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực. Như vậy, với quy định của Luật Công chứng năm 2024, công chứng viên có thẩm quyền công chứng giao dịch, đồng thời được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản và chứng thực chữ ký người dịch (điểm c khoản 1 Điều 18).
(3) Bổ sung quy định nhằm xác định rõ việc hành nghề công chứng là việc công chứng viên thực hiện việc công chứng giao dịch (khoản 5 Điều 2). Như vậy, mặc dù công chứng viên được giao thực hiện một số việc chứng thực nhưng nếu công chứng viên không thực hiện việc công chứng giao dịch mà chỉ thực hiện việc chứng thực thì vẫn không được tính là hành nghề công chứng. Đây là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, xác minh, xem xét xử lý vi phạm trong quá trình hành nghề của công chứng viên.
(4) Sửa đổi quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm, đồng thời bổ sung một số hành vi mới bị nghiêm cấm đối với công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, cá nhân, tổ chức có liên quan (Điều 9) nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, góp phần phát triển đội ngũ công chứng viên chất lượng cao và các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, tăng cường trách nhiệm, ý thức của cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc công chứng.
(5) Bổ sung quy định về các giao dịch phải công chứng nhưng không theo hướng liệt kê tên giao dịch mà quy định tiêu chí xác định các giao dịch phải công chứng. Theo đó, giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được luật quy định hoặc luật giao Chính phủ quy định phải công chứng (khoản 1 Điều 3), đồng thời Luật giao cho Bộ Tư pháp trách nhiệm rà soát, cập nhật, đăng tải các giao dịch phải công chứng, chứng thực trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp (khoản 2 Điều 3), giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc xác định các giao dịch phải công chứng, tăng tính minh bạch trong quá trình áp dụng pháp luật.
Thứ hai: Sửa đổi, bổ sung một số quy định về công chứng viên
Để nâng cao chất lượng đầu vào, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng, bảo đảm hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của đội ngũ công chứng viên, Luật Công chứng năm 2024 có những điểm mới như sau:
(1) Bỏ quy định về miễn đào tạo nghề công chứng, thay vào đó tất cả các đối tượng muốn bổ nhiệm công chứng viên đều phải tham gia đào tạo nghề công chứng, tuy nhiên có giảm 1/2 thời gian đào tạo nghề công chứng đối với một số đối tượng có trình độ pháp luật cao, có thời gian giữ một số chức danh pháp lý cụ thể (khoản 2, 3 Điều 11).
(2) Quy định tất cả các đối tượng đều phải tập sự 12 tháng (khoản 1 Điều 12), mà không xác định 02 loại thời gian tập sự (06 tháng và 12 tháng) như Luật Công chứng năm 2014 trước đây; quy định rõ người tập sự hành nghề công chứng phải bảo đảm thời gian tập sự theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự; quy định về thời hạn hiệu lực của chứng nhận đạt kết quả kiểm tra tập sự... nhằm nâng cao tính nghiêm túc, thực chất và hiệu quả của việc tập sự, một khâu rất quan trọng chuẩn bị cho việc bổ nhiệm và hành nghề của công chứng viên ở giai đoạn tiếp theo.
(3) Bổ sung quy định chỉ được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên cho người không quá 70 tuổi và công chứng viên chỉ được hành nghề cho đến khi tròn 70 tuổi (Điều 10, 16, 17). Đồng thời, để có thời gian sắp xếp tổ chức và hoạt động của các Văn phòng công chứng hiện có, bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng thì Luật có quy định chuyển tiếp, theo đó công chứng viên quá 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 02 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành; công chứng viên từ đủ 68 đến đủ 70 tuổi tại ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được hành nghề công chứng đến khi đủ 72 tuổi (khoản 5 Điều 76).
(4) Bổ sung thêm các trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên, các trường hợp bị miễn nhiệm công chứng viên và các trường hợp không được bổ nhiệm lại công chứng viên (Điều 14, 16, 17) nhằm bảo đảm những người thực sự xứng đáng mới được đứng trong đội ngũ công chứng viên.
(5) Bổ sung một số quy định về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên nhằm làm rõ quyền và nâng cao trách nhiệm của công chứng viên: Bổ sung quyền chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký cá nhân, chứng thực chữ ký người dịch, quyền khai thác, sử dụng thông tin từ các cơ sở dữ liệu theo quy định pháp luật để thực hiện việc công chứng; quy định nghĩa vụ duy trì tư cách hội viên Hội công chứng viên trong suốt quá trình hành nghề công chứng tại địa phương đó; quy định công chứng viên phải bảo đảm giờ làm việc theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng mà mình đang hành nghề; quy định công chứng viên có nghĩa vụ từ chối công chứng trong trường hợp giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội (theo Luật Công chứng năm 2014 thì từ chối công chứng là quyền của công chứng viên).
Thứ ba: Sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức hành nghề công chứng
Nhằm phát triển các tổ chức hành nghề công chứng đúng định hướng, ổn định, bền vững, phân bố hợp lý, đáp ứng tốt nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, Luật Công chứng năm 2024 có những điểm mới như sau:
(1) Bổ sung quy định về chiến lược phát triển về lĩnh vực công chứng và đề án quản lý, phát triển các Tổ chức hành nghề công chứng. Về thẩm quyền, Bộ Tư pháp có trách nhiệm xây dựng, trình Chính phủ ban hành chiến lược; Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn việc xây dựng và Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành đề án (khoản 2, 3 Điều 19). Luật giao Chính phủ quy định chi tiết việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng; quy định lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng, giải thể Phòng công chứng tại các địa phương (Điều 22). Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho việc xác định lộ trình thành lập, phát triển, phân bố các tổ chức hành nghề công chứng tại từng địa phương cũng như trong cả nước trong thời gian tới.
(2) Đối với Phòng công chứng, để bảo đảm sự tương đồng về điều kiện hoạt động giữa hai loại hình tổ chức hành nghề công chứng (Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng), nâng cao tính ổn định của Phòng công chứng, Luật quy định Phòng công chứng cũng phải có từ 02 công chứng viên trở lên, trừ trường hợp các địa bàn cấp huyện được thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân; Phòng công chứng phải có trụ sở đáp ứng đủ các điều kiện do Chính phủ quy định; Trưởng Phòng công chứng phải là công chứng viên đã hành nghề công chứng từ đủ 02 năm trở lên; giao cho Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm Trưởng Phòng công chứng thay vì giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm như Luật Công chứng năm 2014 để tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn (khoản 2, 3 Điều 20). Ngoài ra, để đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, Luật Công chứng năm 2024 quy định Chính phủ quy định lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng.
(3) Kế thừa quy định của Luật Công chứng năm 2014 về việc Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh, tuy nhiên có điểm mới là cho phép thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân ở các đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh; Danh mục các đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân do Chính phủ quy định, đồng thời Chính phủ có trách nhiệm quy định về việc chuyển đổi loại hình Văn phòng công chứng tại các đơn vị hành chính cấp huyện này (khoản 1 Điều 23).
(4) Quy định tên của Văn phòng công chứng do các thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh thỏa thuận hoặc Trưởng Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân quyết định (khoản 4 Điều 23); bổ sung quy định về các trường hợp không được thành lập, tham gia thành lập Văn phòng công chứng để bảo đảm việc thành lập Văn phòng công chứng đúng yêu cầu (khoản 2 Điều 24); bổ sung quy định về việc Văn phòng công chứng chỉ được thay đổi địa chỉ trụ sở trong phạm vi địa bàn cấp huyện nơi đặt trụ sở theo quyết định cho phép thành lập của UBND cấp tỉnh để bảo đảm sự phân bố hợp lý, phát triển ổn định, đáp ứng nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức (khoản 1 Điều 26); quy định chặt chẽ về việc chấm dứt tư cách thành viên hợp danh và tiếp nhận thành viên hợp danh mới để bảo đảm tính ổn định của các Văn phòng công chứng (Điều 27, 28)…
(5) Thay quy định về chuyển nhượng Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh theo Luật Công chứng năm 2014 bằng quy định về chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của toàn bộ thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng (Điều 30) để vừa phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp vừa bảo đảm ổn định hoạt động của Văn phòng công chứng; bổ sung quy định về việc bán Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân (Điều 31) vì Luật Công chứng năm 2024 cho phép thành lập loại hình Văn phòng công chứng này ở một số địa bàn nhất định; bổ sung quy định về tạm ngừng hoạt động của Văn phòng công chứng để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng và tổ chức, cá nhân có liên quan (Điều 32); bổ sung một số trường hợp thu hồi quyết định cho phép thành lập và chấm dứt hoạt động của Văn phòng công chứng để đáp ứng yêu cầu quản lý các tổ chức hành nghề công chứng trong giai đoạn mới (Điều 33, Điều 34). Đặc biệt, đối với các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh, bán Văn phòng công chứng, chấm dứt hoạt động của Văn phòng công chứng thì cộng tác viên hợp danh hoặc Trưởng Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân đều chỉ được tiếp tục hợp danh vào Văn phòng công chứng khác hoặc làm Trưởng Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân khác sau thời hạn ít nhất là 02 năm (khoản 6 Điều 27, khoản 5 Điều 30…) nhằm nâng cao trách nhiệm của công chứng viên, khắc phục tình trạng thường xuyên thay đổi công chứng viên hợp danh của các Văn phòng công chứng như trong quá trình triển khai Luật Công chứng năm 2014.
Thứ tư: Sửa đổi, bổ sung quy định về hành nghề công chứng
Để bảo đảm tốt hơn quyền và trách nhiệm hành nghề của công chứng viên, Luật Công chứng năm 2024 có một số điểm mới sau đây:
(1) Bổ sung 01 hình thức hành nghề mới là công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Phòng công chứng (Điều 37) để tạo thêm cơ hội hành nghề cho công chứng viên, vừa giúp các Phòng công chứng giải quyết khó khăn trong việc bổ sung công chứng viên cho đơn vị mình trước yêu cầu tinh gọn bộ máy, không phát sinh biên chế cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
(2) Cắt giảm thủ tục đăng ký hành nghề cho công chứng viên và quy định Sở Tư pháp cấp Thẻ công chứng viên khi thực hiện thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động hoặc bổ sung công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng (Điều 38).
(3) Quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã chuyển đổi, chuyển nhượng, hợp nhất, sáp nhập và trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã giải thể, chấm dứt hoạt động nhằm cá thể hóa và nâng cao ý thức trách nhiệm cho cả chức hành nghề công chứng, công chứng viên và cá nhân có liên quan (Điều 40).
(4) Bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, như thực hiện rà soát, đánh giá hằng năm chất lượng đội ngũ công chứng viên, tham gia cùng cơ quan nhà nước trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm, hướng dẫn nghiệp vụ cho hội viên... (khoản 3 Điều 41).
Thứ năm: Sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục công chứng giao dịch, cơ sở dữ liệu công chứng, lưu trữ hồ sơ công chứng
Để giải quyết những vướng mắc, bất cập của Luật Công chứng năm 2014 về thủ tục công chứng, Luật Công chứng năm 2024 có những điểm mới sau đây:
(1) Bỏ Phiếu yêu cầu công chứng trong thành phần hồ sơ yêu cầu công chứng để tạo thuận lợi cho người yêu cầu công chứng (khoản 1 Điều 42) đồng thời với việc bổ sung trách nhiệm của tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên trong việc lập, sử dụng sổ yêu cầu công chứng để có cơ sở xác định việc thực hiện trách nhiệm của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (khoản 1 Điều 45); bổ sung quy định về giấy tờ thay thế giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản để tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục công chứng (điểm c khoản 1 Điều 42).
(2) Đối với thủ tục chung về công chứng giao dịch, Luật Công chứng năm 2024 bổ sung một số loại giao dịch về bất động sản mà khi thực hiện công chứng thì không phải theo thẩm quyền địa hạt phù hợp với tính chất của giao dịch (Điều 44); bổ sung quy định cho phép người yêu cầu công chứng được thoả thuận với tổ chức hành nghề công chứng về thời hạn công chứng trong một số trường hợp cụ thể để vừa bảo đảm quyền của người yêu cầu công chứng vừa không tạo sự cứng nhắc trong thủ tục công chứng (khoản 2 Điều 45); quy định rõ hơn về các trường hợp được công chứng ngoài trụ sở để vừa bảo đảm nguyên tắc công chứng tại trụ sở vừa tạo sự linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn (khoản 2 Điều 46); quy định cụ thể hơn về yêu cầu đối với lời chứng của công chứng viên nhằm làm rõ trách nhiệm của công chứng viên đối với việc công chứng (Điều 48); bổ sung quy định về việc ký văn bản công chứng trước sự chứng kiến của công chứng viên phải được chụp ảnh và lưu trữ trong hồ sơ công chứng (khoản 1 Điều 48); bổ sung quy định về thoả thuận chấm dứt hợp đồng đã công chứng, huỷ bỏ văn bản là hành vi pháp lý đơn phương... phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự và thực tiễn hoạt động công chứng (Điều 53).
(3) Đối với thủ tục công chứng một số giao dịch cụ thể, Luật Công chứng năm 2024 quy định rõ việc công chứng những giao dịch cụ thể trước hết phải tuân thủ thủ tục chung, sau đó mới tính đến các yếu tố đặc thù tương ứng đối với từng loại giao dịch (Điều 53); quy định cụ thể về thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền trong trường hợp hai bên không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng (Điều 57); quy định thủ tục công chứng văn bản phân chia di sản để thay thế cho cả trường hợp khai nhận di sản và thoả thuận phân chia di sản theo Luật Công chứng năm 2014 (Điều 59)...
(4) Bổ sung bổ sung 04 điều mới (Điều 62 đến 65) quy định những vấn đề cơ bản nhất về công chứng điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng. Theo đó, công chứng điện tử là việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử để tạo lập văn bản công chứng điện tử; việc công chứng điện tử phải bảo đảm các nguyên tắc cụ thể; việc cung cấp dịch vụ công chứng điện tử chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện cụ thể. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định về khái niệm, thời điểm có hiệu lực, giá trị của văn bản công chứng điện tử và việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản công chứng điện tử và văn bản công chứng giấy; quy định 02 quy trình gồm công chứng điện tử trực tiếp và công chứng điện tử trực tuyến.
- Đối với cơ sở dữ liệu công chứng (CSDLCC), với nguyên tắc vừa bảo đảm tính kế thừa kết quả đầu tư xây dựng CSDLCC tại các địa phương trong những năm vừa qua, vừa đáp ứng yêu cầu đồng bộ, kết nối, chia sẻ thông tin để đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động công chứng, Luật Công chứng năm 2024 quy định CSDLCC bao gồm CSDLCC của Bộ Tư pháp và CSDLCC của các địa phương, quy định rõ các thông tin của từng CSDLCC, trách nhiệm xây dựng từng CSDLCC và các yêu cầu đối với từng CSDLCC... (Điều 66)./.
Đồng Phú ngày 21 tháng 3 năm 2025
Thạc sĩ: Nguyễn Phong Dản
BCV pháp luật cấp huyện -
Trưởng phòng Tư pháp huyện Đồng Phú