ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT SỐ 56/2024/QH15

Thứ hai - 31/03/2025 22:46 30 0
LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CHỨNG KHOÁN, LUẬT KẾ TOÁN, LUẬT KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP, LUẬT NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC, LUẬT QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG, LUẬT QUẢN LÝ THUẾ, LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN, LUẬT DỰ TRỮ QUỐC GIA, LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH SỐ 56/2024/QH15

          I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT SỐ 56/2024/QH15
          Trên cơ sở chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, trong quá trình thực hiện quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nhước, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế,  Luật Dự trữ quốc gia đã phát sinh một số quy định cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
         II. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT
         1. Mục tiêu
          - Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, kế toán, kiểm toán độc lập, ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công, quản lý thuế và dự trữ quốc gia, qua đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
          - Thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
          - Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xóa bỏ cơ chế xin – cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác;
          - Kế thừa và phát huy những quy định hiện hành đã được thực tiễn chứng minh đem lại các tác động tích cực đến KT-XH của đất nước; những nội dung cần sửa đổi, bổ sung phải có quy định rõ ràng, minh bạch, có đánh giá tác động cụ thể.
          2. Quan điểm
         - Đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng đã được xác định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng về các chính sách tài chính.
         - Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành
         - Tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật còn mâu thuẫn, gây khó khăn, vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
         - Đảm bảo sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các thỏa thuận, cam kết của Việt Nam; đảm bảo mục tiêu hội nhập quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển.
          III. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT SỐ 56/2024/QH15
Luật bao gồm 11 Điều, trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật gồm:  Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Một số nội dung cơ bản cụ thể như sau:
        1. Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Chứng khoán
        - Luật sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 26 điều của Luật Chứng khoán, trong đó:
       (1) Nhằm tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, đã bổ sung quy định rõ  trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán;
       (2) Sửa đổi, bổ sung các quy định về nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán;
       (3) Tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, đã sửa đổi các quy định liên quan đến hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch chứng khoán trên thị trường theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
        2. Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán
      Luật sửa đổi, bổ sung 9 điều của Luật Kế toán, trong đó:
       (1) Tập trung sửa đổi các quy định để đáp đứng ứng các mục tiêu chính là tạo cơ sở pháp lý để áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán cho một số đối tượng ở Việt Nam;
       (2) Tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kế toán;
       (3) Đơn giản hoá nội dung công tác kế toán, chứng từ kế toán nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý;
       (4) Hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số;
       (5) Nâng cao tính minh bạch và tuân thủ báo cáo tài chính của đơn vị kế toán và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán;
       (6) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người làm kế toán.
       Theo đó, Luật đã bổ sung cơ sở pháp lý để áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán; dịch tài liệu kế toán bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt; kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc năm cuối cùng; đơn giản nội dung chứng từ kế toán; ký chứng từ kế toán điện tử; quy định rõ hơn báo cáo tài chính phải được đơn vị lập và trình bày theo đúng quy định của chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán; quy định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong ban hành chế độ kế toán hoặc văn bản quy phạm pháp luật về kế toán áp dụng cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc phạm vi quản lý; quy định về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người làm công tác kế toán.
       3. Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán độc lập
       - Luât sửa đổi, bổ sung 7 điều của Luật Kiểm toán độc lập trong đó:
       (1) Tập trung sửa đổi các quy định để đáp ứng các mục tiêu chính là tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước đối với Kiểm toán độc lập, góp phần ổn định và phát triển kinh tế;
       (2) Nâng cao chất lượng Kiểm toán độc lập, tăng cường độ tin cậy các thông tin phục vụ quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế;
       (3) Mở rộng các đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc, đảm bảo đầy đủ thông tin tin cậy phục vụ quản lý nhà nước và ra quyết định.
        Theo đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập; xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập; quy định về những người không được đăng ký, hành nghề kiểm toán; nghĩa vụ duy trì điều kiện đối với doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam; luân chuyển kiểm toán viên hành nghề ký báo cáo kiểm toán; mở rộng các đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc, đảm bảo đầy đủ thông tin tin cậy phục vụ quản lý nhà nước và ra quyết định.
        4. Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước
       - Luật sửa đổi, bổ sung 8 Điều của Luật Ngân sách nhà nước, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số vướng mắc, bất cập liên quan đến:
       (1) Cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn, hỗ trợ các địa phương khác và chi viện trợ;
       (2) Sửa đổi, bổ sung quy định về chi ngân sách nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và thường xuyên;
       (3) Nhóm quy định về chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công và nội dung chi đầu tư phát triển khác;
       (4) Các quy định về đối tượng được phân bổ và giao dự toán ngân sách;
       (5) Bổ sung quy định về giao Chính phủ, Ủy ban nhân dân triển khai phân bổ đối với khoản dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên chưa phân bổ giao chi tiết;
       (6) bổ sung cơ chế tài chính đặc thù để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
       5. Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
       Luật sửa đổi, bổ sung 31 điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó:
       (1) Tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài  sản công.
       (2) Sửa đổi, bổ sung các quy định về việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với các văn bản quy phạm pháp luật khác như bổ sung quy định về quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên được thực hiện theo quy định của pháp Luật về đất đai, tài nguyên và pháp luật có liên quan;
       (3) Bổ sung quy định việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế;
       (4) Bổ sung việc quản lý, sử dụng tài sản công tại doanh nghiệp được thực hiện theo các quy định có liên quan, không phải thực hiện sắp xếp lại theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
       6. Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế
       - Luật sửa đổi, bổ sung 14 điều của Luật Quản lý thuế, trong đó:
        (1) Tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thuế, tăng cường trách nhiệm công vụ để đảm bảo công bằng, bình đẳng, minh bạch, thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật (các quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế; nguyên tắc quản lý thuế; mức tiền phải trả lãi, hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh; biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; quy tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp);
       (2) Sửa đổi, bổ sung một số quy định để tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội thông qua mở rộng cơ sở thu, chống thất thu thuế (quy định về nguyên tắc khai thuế, khai bổ sung hồ sơ khai thuế, tính thuế nhằm mở rộng cơ sở thu, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số);
       (3) Sửa đổi, bổ sung quy định về hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số, hóa đơn điện tử tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
       7. Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dự trữ quốc gia
       Luật sửa đổi, bổ sung 4 điều của Luật Dự trữ quốc gia trong đó:
      (1) Luật tập trung sửa đổi, bổ sung quy định liên quan cơ chế cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất hàng dự trữ quốc gia phục vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước;
       (2) Sửa đổi, bổ sung các quy định về phân cấp thẩm quyền cho Thủ tướng chính phủ quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia.
       8. Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân
       Đề đảm tính khả thi, đồng bộ trong công tác quản lý thuế, Luật đã sửa đổi, bổ sung 02 điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân về  trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả thu nhập, tổ chức là nhà quản lý sàn thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số.
       9. Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính
       Để đảm bảo đồng bộ chính sách với quy định xử lý vi phạm hành chính tại Luật kiểm toán  độc lập, Luật sửa đổi, bổ sung 02 điều của Luật  Xử phạt vi phạm hành chính về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính và sửa đổi một số cụm từ.
       10. Về hiệu lực
       Luật số 56/2024/QH15 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025. Một số quy định có hiệu lực riêng như sau:
       - Quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 3 khoản 9 Điều 1 của Luật này; quy định về vốn chủ sở hữu tại điểm a khoản 11 Điều 1 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026.
      - Quy định về kiểm toán độc lập tai điểm b khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 3 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026.
      - Quy định về sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước tại Điều 4 của Luật này có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2025.
      - Quy định về hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nề tảng số tại điểm b khoản 5 Điều 6 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2025.
                                                                                                                                 Đồng Phú ngày 20 tháng 3 năm 2025
                                                                                                Thạc sĩ: Nguyễn Phong Dản
                                                                                                BCV pháp luật cấp huyện –
                                                                                   Trưởng phòng Tư pháp huyện Đồng Phú
 

Tác giả: Tư Pháp Phòng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết với ZaLo
Công báo thuộc UBNN Tỉnh
Tra cứu thủ tục hành chính
Lịch công tác của UBNN huyện
Quản lí văn bản
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay744
  • Tháng hiện tại30,677
  • Tổng lượt truy cập18,607,804
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây