Xuân ở chốn rừng xanh

Thứ tư - 14/02/2024 10:06 1.145 0
Với hầu hết mọi người, Tết Nguyên đán là dịp để nghỉ ngơi, sum họp bên người thân, bạn bè... nhưng ở chốn rừng xanh xa xôi, những nhân viên bảo vệ rừng của huyện Đồng Phú vẫn ngày đêm lặng lẽ tuần tra, canh gác, ngăn chặn “giặc lửa”. Họ được ví như những chú ong rừng cần mẫn bảo vệ lá phổi xanh của quê hương, vì sự bình yên của đại ngàn xanh thẳm.
 
Màu xanh của rừng tự nhiên xen lẫn màu vàng đỏ của những cánh rừng cao su đang mùa thay lá tạo thành bức tranh tuyệt đẹp, báo hiệu một mùa xuân mới đã về
   8h sáng tại Chốt bảo vệ rừng Đồng Xoài, thuộc địa bàn ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng, cuộc họp triển khai nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ rừng tại đây diễn ra khẩn trương để mọi người bắt tay vào việc. Phân công nhiệm vụ xong xuôi, chốt trưởng Phạm Đình Thuần cùng các nhân viên nhanh chóng chất bình xịt nước mini, dao, rựa, máy thổi lá, máy cắt cỏ lên xe máy và hướng về phía rừng xanh.
Các nhân viên chốt bảo vệ rừng Đồng Xoài tuần tra kiểm soát các đường mòn lối mở vào rừng
   Gần 30 năm gắn bó với nhiệm vụ bảo vệ rừng, chốt trưởng Phạm Đình Thuần là người quá hiểu về đặc điểm của những cánh rừng nơi đây. Theo kinh nghiệm của ông, mùa mưa dù công tác tuần tra gặp khó khăn do đường trơn trợt, nhiều đoạn nước suối dâng cao nhưng đỡ mất ăn mất ngủ hơn nhiều so với mùa khô. Nếu như mùa mưa nhiệm vụ chính của những nhân viên bảo vệ rừng như ông là chốt chặn, kiểm soát các đường mòn, lối mở ngăn chặn các vụ phá rừng, săn bắt động vật rừng trái phép, thì mùa khô bên cạnh những nhiệm vụ đó còn gánh thêm trọng trách hết sức nặng nề là ngăn chặn “giặc lửa”, nhất là dịp trước trong và sau tết Nguyên đán.
   Chốt trưởng Chốt bảo vệ rừng Đồng Xoài Phạm Đình Thuần cho biết: Công tác tuần tra bảo vệ rừng dịp tết được chúng tôi triển khai từ tháng 12 âm lịch. Trong những ngày tết, toàn bộ lực lượng luôn trong tình trạng sẵn sàng tham gia ứng phó tình huống khẩn cấp. Vẫn biết như thế là thiệt thòi cho anh em, nhưng công việc đòi hỏi phải vậy. Ngày tết, anh em phải chia ca nhau ra để tuần tra, kiểm soát. Cũng có đôi lúc anh em chúng tôi không khỏi thấy nao nao, chạnh lòng, nhớ nhà, nhất là lúc kề giao thừa. Nhưng rồi cảm giác này cũng qua nhanh, lại nhường cho quyết tâm công việc.
 
Lực lượng bảo vệ rừng phát quang bờ ranh ngăn lửa
   Dù mới làm nhân viên bảo vệ rừng được gần 3 tháng, nhưng nhờ sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của chốt trưởng Phạm Đình Thuấn cùng những anh em đi trước, anh Lê Đức Trường đã tỏ ra rất thành thạo với công việc. Ngày làm việc của anh bắt đầu từ công tác tuần tra kiểm soát không cho người dân ra vào rừng, sau đó là thổi lá, cắt cỏ, dọn dẹp phát quang bờ ranh ngăn lửa.., công việc cứ thế liền tay. Anh cho biết, mình vào nghề chưa lâu nhưng khu rừng rộng khoảng 1.500 ha này chỗ nào cũng đã đặt chân tới. Ở đây dù xa người thân nhưng bù lại có anh em giúp đỡ, đùm bọc nên thấy ấm áp hơn. Anh Lê Đức Trường chia sẻ: Dịp Tết Nguyên đán là thời gian các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tăng cường hoạt động và cũng là dịp cao điểm phòng cháy chữa cháy rừng. Do vậy, đây cũng là thời điểm anh em chúng tôi phải căng mình tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng. Đối với những cây gỗ quý, nếu không ăn ngủ với nó thì dễ bị mất lắm. Gắn bó với cây, với rừng thành quen, hôm nào không đi lại thấy nhớ rừng, dù khó khăn đến mấy tôi cùng các đồng nghiệp cũng sẽ nỗ lực hết sức mình để bảo vệ rừng.
Lực lượng kiểm lâm và Chốt bảo vệ rừng Đồng Xoài kiểm tra bồn tích nước
   Có thâm niên công tác lâu hơn anh Trường một chút, anh Thạch Nông, nhân viên Chốt bảo vệ rừng Đồng Xoài cho biết: Nếu nói về những khó khăn, vất vả của những người giữ rừng thì là cả một câu chuyện dài, nhưng chỉ cần có tình yêu với rừng thì sẽ vượt qua thôi. Tết nhất là dịp để gia đình sum họp, ai mà chẳng muốn về với gia đình, nếu nói không buồn là dối lòng, nhưng phần vì nhiệm vụ, phần vì lỡ đắm say hương vị núi rừng, lỡ mê mẩn màu xanh cây lá nên cũng không muốn xa.
Đứng trên chòi canh lửa, hướng tầm mắt ra xa mới có thể cảm nhận hết vẻ đẹp hùng vĩ của những cánh rừng, của đại ngàn vào xuân.
   Chia tay chốt bảo vệ rừng Đồng Xoài, chúng tôi đến với chốt bảo vệ rừng Lam Sơn 3, xã Tân Phước khi trời đã nhá nhem tối. Lúc này chốt phó Phạm Tấn Lộc đang lúi húi chuẩn bị bữa ăn tối cho anh em trên đường tuần tra trở về.  Quanh mâm cơm đạm bạc với cá khô, thịt kho và một ít rau xào, vừa ăn vừa báo cáo kết quả sau 1 ngày tuần tra mệt nhọc. Chốt phó Phạm Tấn Lộc cho hay: “Lực lượng ít, địa bàn rộng, xa dân cư, nhưng qua kiểm tra rừng vẫn ổn định. Đó là niềm vui của người giữ rừng khi mùa xuân đến”.
Bữa cơm đạm bạc tại Chốt bảo vệ rừng Lam Sơn 3
   Hạt kiểm lâm huyện Đồng Phú hiện có 6 chốt bảo vệ rừng, mỗi chốt có 4 nhân viên. Dù các chốt đều có cán bộ kiểm lâm, kiểm lâm viên địa bàn hỗ trợ thường xuyên nhưng việc bảo vệ trên 6.000 ha rừng tự nhiên thực sự là nhiệm vụ khó khăn. Đó là chưa kể ngoài mức lương từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng được lấy từ kinh phí dịch vụ môi trường rừng, hầu như họ không còn khoản thu nhập thêm nào khác.
Về đêm nhiệt độ ở rừng xuống khá thấp, tranh thủ lúc nghỉ ngơi lực lượng bảo vệ rừng đốt lửa sưởi ấm.
   Khó khăn là thế, nhưng trên khuôn mặt từng nhân viên bảo vệ nơi đây luôn ánh lên niềm lạc quan, tràn đầy ước vọng, niềm tin quyết tâm giữ màu xanh cho những cánh rừng. Càng những ngày lễ, Tết, công việc của lực lượng bảo vệ rừng càng phải chặt chẽ, vì họ ý thức rằng, rừng sẽ bị tổn thương nếu buông lỏng quản lý.
   Mùa Xuân đến, giữa bát ngát rừng xanh, nhịp tuần tra của những nhân viên làm nhiệm vụ bảo vệ rừng vẫn đều đặn, len lỏi qua từng vệt rừng. Mỗi nơi đi qua, các nhân viên tỉ mẩn đếm từng gốc cây, kiểm tra từng khóm rừng. Với họ, mỗi ngày đi qua, được dạo qua nhưng nơi thân thuộc, thấy còn vẹn nguyên từng khóm rừng… đó chính là mùa Xuân của những người giữ rừng.

Tác giả: Trường Thịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây