Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH huyện Đồng Phú thời kỳ đến năm 2020.

Thứ ba - 16/06/2015 08:53 8.782 0
Ngày 05/02/2007 UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 204/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội huyện Đồng Phú thời kỳ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với các mục tiêu, định hướng như sau:
I. Mục tiêu phát triển:
a) Về các mục tiêu phát triển kinh tế:
- Phấn đấu đến năm 2010, tổng giá trị sản phẩm tăng thêm (GDP) trên địa bàn huyện đạt 430 tỷ đồng (tăng gần 2 lần so với năm 2005); đến năm 2020 đạt 1.422 tỷ đồng;
- Đảm bảo kinh tế phát triển ổn định và bền vững với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10,5%/năm giai đoạn 2006 - 2010, giai đoạn 2011 - 2020 đạt 12,7%/năm;
- Đảm bảo GDP bình quân đầu người trong huyện đạt 413 USD vào năm 2010 (gấp 1,4 lần năm 2005) và 1.120 USD vào năm 2020 (theo giá so sánh 1994);
- Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm sản nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo định hướng chung của tỉnh;
- Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng các Khu công nghiệp theo hướng hoàn thiện từng phần phù hợp với tiến độ thu hút các dự án đầu tư vào các Khu, Cụm công nghiệp;
- Tăng thu ngân sách trên địa bàn, phấn đấu vào năm 2010 thu ngân sách đạt 39,6 tỷ đồng, năm 2020 đạt 132 tỷ đồng.
b) Về các mục tiêu phát triển văn hóa - xã hội (theo phương án chọn):
Thực hiện tốt các chương trình của quốc gia và của tỉnh trên lĩnh vực văn hóa - xã hội như: Giáo dục & đào tạo, nguồn nhân lực, y tế, xóa đói giảm nghèo và chăm lo các đối tượng chính sách xã hội, phấn đấu đến năm 2010 đạt:
- 100% số xã, thị trấn phổ cập trung học cơ sở;
- Lao động qua đào tạo đạt khoảng 40%;
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 15%;
- Tỷ lệ hộ dùng điện đạt 80%.
II. Định hướng phát triển một số ngành và lĩnh vực chủ yếu
Dựa vào hiện trạng và các lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đồng Phú hiện nay và trong tương lai thì việc xác định định hướng phấn đấu của các ngành, lĩnh vực là có căn cứ khoa học, vừa phát huy được tính tích cực, sát với khả năng thực tế của địa phương vừa phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước đến năm 2010, cụ thể:
1. Nông - lâm nghiệp và thủy sản: Hướng phát triển trong giai đoạn tới là cần đi sâu vào thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành trên cơ sở đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành một số vùng chuyên canh nhằm phát huy lợi thế so sánh của huyện, đáp ứng các yêu cầu: Sản phẩm chất lượng, có thị trường tiêu thụ và có sức cạnh tranh trên thị trường, có hiệu quả kinh tế cao, không làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
a) Nông nghiệp: Phát triển nhanh về số lượng và nâng cao chất lượng đàn gia súc gia cầm, tạo nguồn thực phẩm phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân, tăng dần tỷ trọng dịch vụ và chăn nuôi trong cơ cấu. Phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi từ 16% năm 2005 lên 30% vào năm 2010 và 35% năm 2020.
b) Lâm nghiệp: Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển trang trại, nhân rộng các mô hình lâm - nông kết hợp, bảo tồn và phát triển vốn rừng.
c) Thủy sản: Sản lượng thủy sản trong trong thời gian tới vẫn được xác định là sản lượng nuôi trồng, tập trung khai thác sử dụng có hiệu quả diện tích ao hồ hiện có, mở rộng diện tích ao hồ ở những nơi có điều kiện, tạo thêm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Dự kiến đến năm 2010 có thể nâng sản lượng nuôi trồng trên địa bàn huyện đạt 1.184 tấn, năm 2020 đạt 1.470 tấn.
2. Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp:
Phấn đấu ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của huyện từ nay đến năm 2010 và 2020 đạt nhịp độ tăng trưởng cao nhằm tạo ra sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế. Giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tăng từ 112 tỷ đồng năm 2005 lên khoảng 284 tỷ đồng năm 2010 và 2056 tỷ đồng năm 2020, nhịp độ tăng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 20,5%, giai đoạn 2011 - 2020 là 21,9%.
3. Thương mại, du lịch:
 Khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ, đảm bảo phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của dân cư. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách trợ giá trợ cước một số mặt hàng trong đó ưu tiên trợ giá giống cây trồng vật nuôi. Huy động vốn đầu tư của nhiều thành phần kinh tế tham gia xây dựng khu Trung tâm thương mại huyện. Phấn đấu đến năm 2010, xây dựng chợ trung tâm huyện đạt tiêu chuẩn chợ loại I, 3 chợ Đồng Tâm, Tân Lập, Tân Tiến đạt chợ loại II; phát triển du lịch sinh thái, vui chơi giải trí cuối tuần ở hồ Suối Lam, Khu du lịch Đồng Ka (thị trấn Tân Phú), tận dụng khai thác có hiệu quả lợi thế vùng phụ cận thị xã Đồng Xoài.
4. Các ngành, lĩnh vực văn hóa - xã hội:
a) Y tế: Tăng cường và củng cố hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Nâng số giường bệnh từ 7,9 giường/1vạn dân năm 2005 lên 11,6 giường/1vạn dân vào năm 2010 và 14,3 giường/1vạn dân vào năm 2020. Phấn đấu nâng tỷ lệ số bác sỹ/1 vạn dân năm từ 1,3 nguời năm 2005 lên 3,2 người năm 2010 và năm 2020 là 4,4 người. Đưa tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng từ 19% năm 2005 xuống còn khoảng 15% vào năm 2010 và 10% vào năm 2020, đảm bảo 100% trẻ em < 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ.
b) Giáo dục & Đào tạo:
  Phát triển mạnh cả 4 bậc học: Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; đa đạng hóa hình thức giáo dục: Công lập, dân lập, bán công.
Tăng cường đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, từng bước xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, đồ dùng và trang thiết bị phục vụ dạy và học. Phấn đấu đến năm 2010 kiên cố hóa 60% hệ thống trường lớp năm 2020 là 100%.
c) Văn hóa - Thông tin, Thể dục - Thể thao: Thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Phát triển phong trào thể dục thể thao toàn dân, nâng cao sức khỏe để tham gia vào quá trình xây dựng
và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Đẩy mạnh xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở bao gồm: Thư viện, trạm truyền thanh, nhà văn hóa, phòng truyền thống … bảo tồn và phát huy các hoạt động văn hóa tích cực của đồng bào các dân tộc.
5. Các ngành, lĩnh vực hạ tầng kinh tế:
a) Giao thông Vận tải: Củng cố và hoàn thiện hệ thống giao thông gồm mạng lưới Quốc lộ, huyện lộ, tỉnh lộ và giao thông nông thôn. Nâng cấp và mở rộng một số tuyến chính Quốc lộ, tỉnh lộ, nâng cấp các tuyến đường liên xã thành đường huyện nối kết các đường giao thông nông thôn của các xã.
 Đầu tư phát triển số lượng phương tiện vận tải và nâng cao chất lượng vận chuyển, luân chuyển hành khách, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển mạnh dịch vụ vận tải, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân đến các vùng sâu, vùng xa. Phấn đấu tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển từ 60.000 tấn năm 2005 lên 154.000 tấn năm 2010 và 720.000 tấn năm 2020, khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng từ 7,2 triệu tấn/km năm 2005 lên 19,86 triệu tấn/km năm 2010 và 79,2 triệu tấn/km năm 2020.
b) Bưu chính Viễn thông: Tiếp tục phát triển mạng lưới thông tin liên lạc rộng khắp trên toàn huyện, đến các xã vùng sâu, vùng xa. Từng bước hiện đại hóa, đồng bộ hóa hệ thống thông tin liên lạc và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ bưu chính viễn thông nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2010 đạt 100% xã có bưu điện văn hóa xã, nâng tỷ lệ sử dụng điện thoại cố định trên địa bàn huyện từ 5,1 máy/100 dân năm 2005 lên 24 máy/100 dân vào năm 2010 và 38 máy/100 dân vào năm 2020.
c) Điện: Nâng cao chất lượng phục vụ điện lưới, đưa điện đến các ấp trong huyện, thực hiện tốt chương trình điện khí hóa nông thôn, phấn đấu nâng tỷ lệ sử dụng điện đạt 80% tổng số hộ vào năm 2010 và 100% năm 2020. Từng bước cải tạo, nâng cấp hệ thống mạng lưới điện theo hướng hiện đại, nhất là hệ thống lưới điện trong khu vực thị trấn.
d) Thủy lợi và cấp nước sinh hoạt:
Đầu tư nâng cấp các hồ hiện có, trên cở sở tính toán cân đối giữa nhu cầu và khả năng cung cấp các nguồn nước xây dựng các hồ đập mới, ưu tiên xây dựng các hồ đập có điều kiện kết hợp với phát triển các khu du lịch sinh thái gắn với tôn tạo cảnh quan, cải thiện môi trường.
Tiếp tục thực hiện chiến lược quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Phấn đấu đến năm 2010 đạt 80% dân số của huyện được sử dụng nước sạch và đảm bảo đủ lượng nước cho phát triển sản xuất công nghiệp và dịch vụ.
6. Các ngành, lĩnh vực khác:
An ninh quốc phòng: Bên cạnh việc phát triển kinh tế - xã hội, huyện chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự tỉnh để thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong vấn đề an ninh quốc phòng như: Tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang, giáo dục quốc phòng toàn dân, thực hiện tốt phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tác giả: MM

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 1.7 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết với ZaLo
Công báo thuộc UBNN Tỉnh
Tra cứu thủ tục hành chính
Lịch công tác của UBNN huyện
Quản lí văn bản
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập61
  • Hôm nay6,127
  • Tháng hiện tại140,847
  • Tổng lượt truy cập17,943,155
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây