Kinh nghiệm duy trì sỹ số học sinh tại trường TH Thuận Lợi B
Thứ ba - 30/12/2014 08:393.4930
Trường TH Thuận Lợi B là trường vùng sâu, vùng xa, thuộc vùng khó khăn của huyện Đồng Phú, trường có 1 điểm chính và 3 điểm lẻ, điểm lẻ cách xa trung tâm xã hàng chục cây số. Học sinh theo học tại trường chủ yếu là con em ấp Thuận Tiến và Thuận Bình, xã Thuận Lợi, học sinh đồng bào dân tộc S’tiêng chiếm 40%, điều kiện kinh tế gia đình của đa số học sinh còn khó khăn, … là nguyên nhân chính cản trở các em đến trường học tập.
Để vận động học sinh đến trường, nhà trường đưa ra rất nhiều giải pháp, nhưng biện pháp đầu tiên vẫn là tuyên truyền cho phụ huynh học sinh hiểu được việc cho con đến trường là cần thiết. Ngay từ tháng 7 hàng năm, Ban giám hiệu nhà trường đã thành lập Ban vận động, do Hiệu trưởng làm trưởng ban. Ban vận động phân công từng thành viên phụ trách địa bàn và phối hợp các ban ngành đoàn thể xã, Ban ấp nắm bắt tư tưởng từng gia đình, học sinh, đối với những nhóm học sinh có nguy cơ bỏ học cao, ban vận động cùng cán bộ ấp đến từng gia đình nắm bắt tình hình và trực tiếp tuyên truyền, vận động, tìm ra nguyên nhân từ đó có kế hoạch hỗ trợ giúp đỡ để các em được đến trường học tập. Nhà trường và mỗi giáo viên tiếp cạn học sinh kịp thời nắm bắt tâm lý, đặc điểm hoàn cảnh của từng học sinh để có cách tiếp cận phù hợp. Cô Nguyễn Thị Thu Anh, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Đội ngũ thầy, cô giáo luôn phải kiên trì đến các ấp “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động học sinh đến lớp. Trước hết, mỗi thầy giáo, cô giáo phải gắn bó với địa bàn, trở thành người thân trong các gia đình người dân tộc thiểu số. Thông hiểu lời ăn, tiếng nói và không ngừng học hỏi phong tục tập quán để không những hòa mình với họ mà còn có cách soạn bài, chuẩn kiến thức kĩ năng phù hợp làm cho các em hiểu được ý nghĩa bài học, nâng cao kiến thức. Khi học sinh ra lớp học, giáo viên chủ nhiệm phải tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình, phân loại chất lượng học sinh, từ đó xây dựng kế hoạch tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh yếu, kém là hết sức quan trọng. Các thầy giáo, cô giáo thường xuyên quan tâm giúp đỡ và động viên khuyến khích những tiến bộ dù là nhỏ nhất của các em. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên liên hệ với phụ huynh học sinh cùng với Ban giám hiệu theo dõi kết quả học tập của học sinh sẽ có hướng giáo dục từng học sinh từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.
BGH nhà trường vận động các mạnh thường quân tặng quà học sinh Qua tìm hiểu, một nguyên nhân khá phổ biến dẫn đến học sinh không đến trường là điều kiện kinh tế khó khăn. Vào đầu năm học, các em không có quần áo, sách vở để đến lớp. Nhà trường đã đi vận động, quyên góp hỗ trợ các em quần áo, sách, vở, đồ dùng học tập, học bổng …. Ban giám hiệu nhà trường đã phối hợp các ban ngành đoàn thể, các đơn vị kinh tế, các nhà hảo tâm và đông đảo nhân dân nhiệt tình giúp đỡ hàng trăm triệu đồng, hàng nghìn cuốn vở, hàng nghìn bộ quần áo cũ và nhiều đồ dùng học tập khác được các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm tặng cho học sinh nghèo, học sinh vượt khó học giỏi, học sinh dân tộc thiểu số tại trường. Đây là nguồn động viên khích lệ lớn cho trẻ đến trường. Đầu năm học 2014-2015, nhà trường đã liên hệ với chi cục thuế quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ quần áo, tập trắng, giày dép, học bổng và tiền mặt cho 100% học sinh của nhà trường với tổng trị giá khoảng 80 triệu đồng. Bước vào năm học 2014-2015, 100% học sinh của trường đều có quần áo, giày dép và sách vở mới để đi học, đây là điều đơn giản nhưng đối với một trường vùng sâu vùng xa như Trường TH Thuận Lợi B thì chưa bao giờ có được. Huyện đoàn Đồng Phú còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ 30 triệu đồng xây tặng căn nhà tình thương cho gia đình em Thị Thoa và Thị Hoa, người dân tộc S’tiêng thuộc hộ nghèo khó khăn về nhà ở giúp 2 em có nơi ở ổn định và yên tâm đến trường học tập. Công tác vận động học sinh đến lớp, duy trì được sĩ số học sinh, tăng tỷ lệ đi học chuyên cần tại trường vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nỗ lực thường xuyên, liên tục của các thầy cô ở các trường Tiểu học Thuận Lợi B. Vì vậy 8 năm liên tục, trường không có học sinh bỏ học, 100% học sinh đến trường đùng độ tuổi.