Nhớ lại những ngày đầu khó khăn chồng chất khó khăn, tất cả đều mới, tất cả đều lạ. Anh Điểu Miêu cho biết: trước đây ở trên xã Thuận Lợi cuộc sống của gia đình rất khó khăn. Hàng ngày, cả gia đình tôi phải vào rừng hái măng để kiếm sống, cuộc sống bấp bênh, quanh năm đói rách. Từ khi được chính quyền di dời về đây chúng tôi được cán bộ xã, huyện cấp đất sản xuất, cấp nhà, hỗ trợ giống cao su, phân bón, hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi. Hiện tại, 9 sào đất của gia đình được nhà nước cấp đã trồng cao su và trồng xen thêm cây mỳ để tận dụng quỹ đất trống, trang rải cuộc sống. Vừa qua, gia đình anh thu hoạch vườn mỳ được gần 10 triệu đồng, bản thân anh sau khi hoàn thành khóa học cạo mủ cao su đã xin cạo thuê cho các tư nhân với mức lương 6 triệu đồng/ tháng. Vợ anh ở nhà buôn bán tạp hóa và chăm sóc các con. Đón tết ất mùi 2015 sẽ ấm hơn vì năm qua thu nhập của gia đình anh còn dư gần 50 triệu đồng sau khi trừ các chi phí sinh hoạt. Nhìn lại chặng đường 3 năm ngắn ngủi, anh tâm sự: nhờ ơn Đảng, ơn Bác mà gia đình anh từ một hộ nghèo cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc đã vươn lên thành hộ khá. Gia đình đã sắm được xe máy và một số vật dụng khác phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, qua năm 2015 gia đình anh sẽ sửa lại căn nhà cho khang trang hơn.
Chia tay gia đình anh Điểu Miêu chúng tôi đến thăm gia đình anh Điểu Long, một trong những hộ trước đây rất khó khăn, thu nhập của gia đình chủ yếu bằng làm thuê, làm mướn. Nhờ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, cuộc sống của gia đình anh dần dần ổn định. Sau khi được cấp gần 1 ha đất, anh trồng mỳ xen cao su, sau 3 năm thu nhập từ vườn mỳ được gần 40 triệu đồng. Nhờ được học lớp cạo mủ cao su, 2 vợ chồng anh được các hộ tiểu điền mướn cạo thuê lương mỗi tháng gần 10 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh mới có tiền để tu sửa lại căn nhà, mua xe tay ga đắt tiền. Khi được hỏi về dự định năm 2015 anh tâm sự: sang năm mới việc đầu tiên gia đình tôi tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo để nhường lại cho những hộ khác khó khăn hơn. Bản thân vợ chồng chúng tôi còn trẻ nên cố gắng lao động kiếm tiền phòng khi ốm đau, những lúc rảnh rỗi tranh thủ trồng thêm cây rau, nuôi thêm con heo, con gà để tăng thu nhập.
Đó chỉ là 2/61 hộ gia đình tiêu biểu thuộc khu định canh định cư ấp Thạch Màn đại diện cho ý chí, quyết tâm phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, còn có nhiều tấm gương thoát nghèo khác, như gia đình anh Điểu Hạnh, gia đình anh Điểu Kinh, gia đình bà Thị Bé… Điểm chung ở họ là biết vận dụng sự hỗ trợ của nhà nước, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cộng với nỗ lực lao động của bản thân và gia đình trong phát triển kinh tế, thoát khỏi tư tưởng trông chờ ỷ lại vào nhà nước. Nhờ đó, từ những hộ nghèo, họ đã xây được những căn nhà mới khang trang, mua được xe máy và một số vật dụng đắt tiền, thu nhập hàng năm của gia đình lên tới hàng trăm triệu đồng.
Nhìn lại chặng đường ba năm phát triển kinh tế của 61 hộ đồng bào Stiêng trên vùng đất mới. Trưởng ấp Thạch Màn ông Nguyễn Hữu Toàn cho biết thêm: Thực hiện Chương trình 33 của Chính phủ, năm 2012 huyện Đồng Phú đã giao đất ở và đất sản xuất cho 61 hộ dân stiêng thuộc xã Thuận Lợi được hưởng dự án định canh, định cư tập trung tại ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi với diện tích 54,78 ha. Từ những hộ nghèo, sau 3 năm định canh, định cư trên vùng đất mới, đến thời điểm này hơn 75% số hộ gia đình ở đây có công ăn việc làm ổn định; 100% số trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường; số hộ nghèo giảm xuống rõ rệt, nếu đầu năm 2014 còn 32 hộ nghèo thì cuối năm con số này giảm xuống còn 8 hộ; trong đó nhiều hộ biết tận dụng cơ hội vươn lên làm giàu.
Mùa xuân năm nay, đồng bào Stiêng ở khu định canh định cư ấp Thạch Màn sẽ xuân hơn khi điện đã được kéo về tận ấp, mang theo đó là ánh sáng, là niềm tin hy vọng về một tương lai mới đang mở ra trên vùng đất mới.