GIÚP NGƯỜI DÂN CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH SẢN XUẤT TỪ NGUỒN VỐN PHỤC HỒI PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
Thứ ba - 05/07/2022 08:261.2970
Nhằm triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của chính phủ, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đồng Phú đã thực hiện giải ngân 4 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình cho vay Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định tại các xã, thị trấn. Từ nguồn vốn vay này, nhiều gia đình đã đầu tư mở rộng và phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Ga xã Tân Lợi bên mô hình trồng Vú sữa Hoàng Kim cho giá trị kinh tế cao
Sau khi triển khai dự án, ông Nguyễn Tiến Nhung, tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn ấp Tân Hà, xã Tân Tiến đã thông báo đến người dân về chương trình vay vốn, quy định về đối tượng thu hưởng, thời hạn vay, mức vay, lãi suất, đồng thời hướng dẫn người dân làm hồ sơ thủ tục vay vốn, thực hiện họp bình xét công khai, dân chủ trước sự chứng kiến của lãnh đạo hội, đoàn thể nhận ủy thác và Trưởng ấp Tân Hà. Qua bình xét, ấp Tân Hà có 4 gia đình đủ điều kiện được vay với tổng số tiền 400 triệu đồng. Từ đó, những khó khăn, vướng mắc cũng được báo cáo kịp thời cho tổ chức Hội trực tiếp quản lý và cán bộ tín dụng phụ trách theo dõi địa bàn xã để giải quyết kịp thời. Trao đổi với chúng tôi, ông Nhung cho biết: Nguồn vốn được giao về cho xã và sau khi nhận được Thông báo giao vốn về ấp của UBND xã thì tôi mới họp tổ, để tổ chức họp bình xét cho những lao động có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tổ bình xét là phải đạt 2/3 số tổ viên dự họp trở lên đồng ý lúc đó mới giải quyết cho người dân được vay. Trước lúc vay vốn, tổ trưởng phải nắm bắt được hộ gia đình đó có hộ khẩu ở địa phương hay không, có phương án sản xuất hay không và có nhà cửa ổn định hay đi thuê trọ. Khi vay vốn xong tổ cùng hội đoàn thể xã trực tiếp đi kiểm tra để xác định hộ vay sử dụng đúng mục đích hay không. Dự án trồng cao su của gia đình ông Lê Thanh Hân, sinh năm 1964, ngụ ấp Tân Hà dự định thực hiện cả năm nay, dịch covid 19 diễn biến phức tạp nên gia đình ông không thể thực hiện được do thiếu vốn. Tháng 4 vừa qua, gia đình ông vừa được xét vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện, đề đầu tư phục hồi kinh tế gia đình, ông vui mừng nói: Trong 2 năm qua dịch covid-19 thì gia đình tôi gặp nhiều khó khăn do là covid nên nhà nước cấm không cho đi lại. Vừa rồi ngân hàng có cho vay 100 triệu tôi cũng đầu tư trồng mới mấy sào cao su và 1 số vốn nữa tôi sẽ chăm sóc 7 ha cao su kia, còn lại tôi phát triển thêm chăn nuôi để phục hồi kinh tế gia đình) Gia đình anh Mus To Pha, sinh năm 1989, người dân tộc Chăm, ngụ ấp Tân Phú, xã Thuận Phú, cả 2 vợ chồng đều làm nghề tự do. Khi dịch bệnh covid 19 diễn biến phức tạp, gia đình anh phải ở nhà thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo yêu cầu, nên ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống gặp nhiều khó khăn. Anh có 7 sào đất đỏ, cũng do thiếu vốn nên chưa thể trồng bưởi da xanh theo dự định. Đầu năm 2022, anh được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 50 triệu đồng, anh bắt đầu khoan hố, mua phân bón, thuốc trừ sâu để trồng bưởi, anh vui mừng nói: “Gia đình dự định trồng bưởi là trong dự án trong năm rồi nhưng do tình hình covid nên tạm ngưng, giờ được hỗ trợ bên NHCSXH huyện cho vay một số vốn nên tiếp tục dự án trồng bưởi để làm kinh tế thêm, chúng tôi cũng biết ơn bên ngân hàng đã hỗ trợ cho chúng tôi phát triển kinh tế”. Để thực hiện tốt việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đồng Phú đã phối hợp rà soát các đối tượng có nhu cầu vay vốn. Sau khi hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ vay vốn, Ngân hàng CSXH huyện tổ chức giải ngân cho 52 lao động tại các xã, thị trấn với tổng số tiền 4 tỷ đồng. Mỗi khách hàng được vay từ 50 đến 100 triệu đồng tùy theo nhu cầu và khả năng trả nợ của khách hàng. Anh Nguyễn Danh Tuấn-Phó giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Đồng Phú cho biết: “Để thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách theo NQ 11 thì ngay từ đầu năm, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Phú đã phối hợp với Phòng LĐTB và XH huyện và UBND các xã, thị trấn, hội, đoàn thể nhận ủy thác và các Tổ Tiết kiệm và vay vốn tiến hành rà soát nhu cầu vay vốn đối với những người lao động tại địa phương, trong đó ưu tiên người lao động trở về từ vùng dịch, người lao động chưa có việc làm ổn định. Việc giải ngân chương trình này được thực hiện công khai, minh bạch tại điểm giao dịch xã, trước, trong và sau khi cho vay thì Ngân hàng CSXH phối hợp với hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện kiểm tra, giám sát để phát hiện những trường hợp cho vay sai đối tượng để xử lý thu hồi nợ kịp thời, tránh trường hợp phát sinh những nợ xấu sau này. Đồng thời việc thu nợ, thu lãi được thực hiện tại Điểm giao dịch xã nhằm tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân trên địa bàn các xã, thị trấn”. Có thể nói, chương trình tín dụng hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, Đặc biệt, chương trình đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ cây, con có hiệu quả thấp sang trồng cây, nuôi con có hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. Tác giả: NHCSXH huyện Đồng Phú