Vì Nhân dân phục vụ
Mô hình “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ” tại xã Tân Lập được đánh giá là tạo nên sự thay đổi rõ rệt trong tư duy, nhận thức và cách giải quyết công việc hành chính của chính quyền địa phương, hướng đến một nền hành chính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, tất cả vì Nhân dân phục vụ. 100% cán bộ, công chức, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đã cam kết và thực hiện tốt nội dung khẩu hiệu “5 biết” (biết nghe dân nói; biết nói dân hiểu; biết làm dân tin; biết xin lỗi; biết cảm ơn), “3 không” (không phiền hà, sách nhiễu; không né tránh trách nhiệm; không trễ hẹn trong quá trình xử lý công việc), “4 thể hiện” (tôn trọng trong giao tiếp; văn minh, văn hóa, lịch sự trong giải quyết công việc; lắng nghe đầy đủ, hướng dẫn tận tình quy trình xử lý công việc; gần gũi, giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân). Tại xã, việc nhận và trả hồ sơ trước hạn và đúng hạn đạt tỷ lệ trên 90%. Đặc biệt, UBND xã đã thực hiện việc giải quyết thủ tục hành chính ngay tại nhà cho những đối tượng người già yếu, neo đơn, người tàn tật… để làm các thủ tục như: thủ tục cấp căn cước công dân, thực hiện các chế độ chính sách…
Lãnh đạo huyện Đồng Phú tiếp đoàn công tác của huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) về tham quan học tập mô hình chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ tại xã Tân Lập
Ông Nguyễn Văn Nam- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: mô hình “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ” mang lại hiệu quả thiết thực, được người dân ghi nhận, tin tưởng, góp phần tạo chuyển biến rõ nét về tác phong, lề lối làm việc, nhận thức trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức. Những hành động cụ thể, đơn giản, như: gửi thư cảm ơn, gửi thư chúc mừng, lời xin lỗi... đã mang đến sự hài lòng cho người dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng để xã triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh trật tự… trên địa bàn.
“Dân vận khéo” - khơi dậy sức dân
Không riêng ở xã Tân Lập, nhiều địa phương trong huyện đã có những cách “dân vận” sáng tạo trong tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận của nhân dân. Tiêu biểu như: xã Đồng Tâm với mô hình “Ấp 3 - xã Đồng Tâm không còn nạn đổ chất thải trái phép”; mô hình “Tuyến đường cờ và hoa” tại xã Tân Tiến; mô hình “Công nhân tự quan bảo đảm trật tự ATGT trên tuyến đường nội bộ nông trường cao su Tân Hưng”, Mô hình độc lạ “sầu riêng hai gốc” cho năng suất cao tại xã Tân Hưng; mô hình “Nhà trọ không có tội phạm ẩn náu” tại xã Đồng Tiến; mô hình “Đội thanh niên xung kích chuyển đổi số” thị trấn Tân Phú. Đặc biệt là các mô hình dân vận khéo trong vùng đồng bào DTTS, đồng bào có đạo như mô hình “Phụ nữ tôn giáo giúp nhau” tại xã Đồng Tiến; Chi hội Tin lành Bù Mung (xã Đồng Tâm) với mô hình “Tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”; mô hình dân vận khéo trong lực lượng vũ trang như hỗ trợ người dân thu hoạch nông sản, hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân bị thiếu nước... Các mô hình dân vận khéo nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tiếp tục được duy trì và phát triển như “Đờn ca tài tử”, “Đàn hát dân ca Tày”, “Văn nghệ Cồng Chiêng”, “Đàn tính, hát then”....
lực lượng vũ trang huyện hỗ trợ người dân thu hoạch nông sản
Một trong những điểm nhấn của phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Đồng Phú là trong vận động người dân giải phóng mặt bằng, bàn giao đất thực hiện các chương trình, dự án. Trong quá trình thực hiện, với phương thức đối thoại, lắng nghe, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt từ huyện đến cơ sở đã trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại với Nhân dân để tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân. Bằng cách làm “khéo” này đã tạo sự đồng thuận trong Nhân dân để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án đầu tư trọng điểm. Kết quả từ năm 2023 đến nay, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã vận động nhân dân hiến 6,26 ha đất, gần 1.000 cây công nghiệp các loại để thực hiện các công trình, dự án giao thông của tỉnh, huyện; vận động Nhân dân đóng góp vốn đối ứng trên 5,2 tỷ đồng xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn.
Bà Ngô Thị Thanh Chung- UVBTV Trưởng ban dân vận huyện ủy Đồng Phú cho biết: Nét nổi bật từ việc triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện là các ngành, địa phương, đơn vị đã xây dựng các mô hình, điển hình “dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong năm 2023, toàn huyện có 112 mô hình được công nhận đạt mô hình “Dân vận khéo”, trong đó tập trung trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh... 6 tháng đầu năm 2024, khối mặt trận, đoàn thể huyện phối hợp vận động tặng 6.358 phần quà, trị giá trên 2,7 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách, khó khăn; xây dựng 05 căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà chữ thập đỏ trị giá 280 triệu đồng; vận động Nhân dân trồng hoa, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, không vứt rác bừa bãi được 15 đợt với hàng trăm lượt người tham gia; các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương đăng ký xây dựng được 137 mô hình “Dân vận khéo”…
Có thể thấy, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã trở thành “chìa khóa” đem lại sự thành công trong công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Để đạt được hiệu quả từ những mô hình dân vận khéo, Ban Dân vận huyện Đồng Phú đã hướng dẫn cơ sở lựa chọn, xây dựng mô hình phù hợp với đặc điểm địa bàn. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động của các mô hình cũng rất được chú trọng, từ đó có cơ sở để rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình hiệu quả. “Dân vận khéo” thực sự trở thành phong trào thi đua yêu nước góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chăm lo cho cuộc sống của nhân dân ngày một tốt hơn.