Đánh thức tiềm năng du lịch Đồng Phú

Thứ ba - 14/11/2023 10:57 1.498 0
Huyện Đồng Phú có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng nên tiềm năng du lịch rất lớn. Tuy nhiên hiện nay, việc khai thác du lịch của huyện vẫn gặp không ít khó khăn, chưa phát huy hết thế mạnh vốn có, chưa đạt được những thành tựu xứng đáng với tiềm năng. Vì vậy, khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế - xã hội, mà còn góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên của địa phương trong thời gian tới.
Hình ảnh các tay chèo ganh đua tại giải đua thuyền huyện Đồng Phú mở rộng năm 2022
 
 
Biểu diễn Fly-Board phục vụ khán giả tại giải đua thuyền
huyện Đồng Phú mở rộng năm 2022
   Theo định hướng phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn 2050, cùng với thị xã Chơn Thành và thành phố Đồng Xoài, huyện Đồng Phú là một trong 3 trục tam giác phát triển trong tầm nhìn chiến lược của tỉnh. Theo đó, Đồng Phú sẽ là “Đô thị năng động, sinh thái và đáng sống”, với mục tiêu chung khai thác, phát huy hiệu quả các lợi thế về vị trí địa lý, đất đai; kết hợp bảo vệ, mở rộng môi trường sinh thái. Trong đó tập trung kêu gọi thu hút đầu tư vào phát triển khu du lịch hồ Suối Giai để trở thành điểm nhấn, tạo tiền đề mở rộng phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
Hồ Suối Giai mang vẻ đẹp hoang sơ và lãnh mạn
   Hồ Suối Giai bắt đầu được nhiều người biết đến hơn khi huyện Đồng Phú tổ chức giải đua thuyền mở rộng nhân kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là lần đầu tiên giải được tổ chức nhằm thúc đẩy phát triển các môn thể thao dưới nước tại địa phương. Đảng bộ, chính quyền huyện Đồng Phú đã quyết tâm và làm tốt công tác quảng bá, thu hút các nhà đầu tư tìm hiểu, phát triển du lịch tại khu vực hồ Suối Giai.
Đông đảo cán bộ và nhân dân cổ vũ giải đua thuyền huyện Đồng Phú mở rộng năm 2022
Lãnh đạo huyện trao giải cho đội đua đạt thành tích cao
giải đua thuyền huyện Đồng Phú mở rộng năm 2022
   Hồ Suối Giai được hình thành sau khi một con đập thủy lợi được xây dựng nhằm mục đích trữ nước và cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân địa phương. Hồ trải dài từ thị trấn Tân Phú đến địa phận xã Tân Lập và chỉ cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 80km về phía Tây Bắc, có chiều dài hơn 10km, chiều ngang khoảng 1,5km. Hiện hồ vẫn giữ được nét đẹp thiên nhiên hoang sơ, hai bên xen lẫn là những vườn điều, vườn cây ăn trái và cao su bạt ngàn. Nước hồ Suối Giai rất ổn định, không lên xuống quá thất thường. Mặt hồ rộng hơn 100 ha, độ sâu giữa lòng hồ vào mùa khô khoảng 10-12m, mùa mưa lên đến 14-16m, lòng hồ lại ít bùn đất nên thú vị nhất ở đây có lẽ chính là bơi lội, chèo ghe hay đánh bắt cá.
Hồ Suối Giai có chiều dài hơn 10km trải dài từ thị trấn Tân Phú đến địa phận xã Tân Lập
   Ngoài làm nhiệm vụ giữ nước, những năm gần đây hồ Suối Giai còn trở thành điểm đến được giới trẻ yêu thích vì cảnh sắc bình yên, tĩnh lặng, thích hợp với các hoạt động cắm trại, dã ngoại ngoài trời. Sau những ngày làm việc căng thẳng, tìm một không gian tĩnh lặng để hít thở bầu không khí trong lành thì hồ Suối Giai là địa điểm du lịch thích hợp cho gia đình và bạn bè vào dịp cuối tuần.
Vẻ đẹp của Hồ Suối Giai nhìn từ trên cao
   Bên cạnh đó, huyện cũng có nhiều điểm du lịch tiềm năng khác như Khu du lịch Hồ Suối Lam, Khu du lịch đảo yến Sơn Hà, Các vườn cây ăn trái tại Quý Đông, khu du lịch sinh thái vườn Vĩnh Phúc …
Đảo Yến Sơn Hà, một địa điểm đẹp của huyện Đồng Phú
   Rõ ràng, để đánh thức những tiềm năng phát triển ngành “công nghiệp không khói”, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp ngành, bản thân chính quyền và nhân dân địa phương cũng cần có sự “vận động”, biết linh hoạt tiếp cận và huy động sự tham gia của cả cộng đồng vào khai phá, phát triển du lịch; đồng thời biết quảng bá hình ảnh để du khách biết đến những nét đặc sắc của vùng, từ đó dựng xây các điều kiện cần và đủ để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, huyện cần có những giải pháp mang tính đồng bộ như xây dựng tổng thể quy hoạch du lịch, gìn giữ những giá trị về tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa, phát triển sản phẩm du lịch mới, kết nối với vùng xung quanh. Quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch; nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch.
Cần gắn phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ với phát triển du lịch để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế
   Gắn phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ với phát triển du lịch để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Tích cực kêu gọi xã hội hóa đầu tư đẩy mạnh hình thành và phát triển các loại hình du lịch, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng các thiết chế văn hoá, gắn phát triển văn hoá với du lịch; khuyến khích các cơ sở kinh doanh các loại hình dịch vụ để phục vụ khách du lịch; đầu tư các điểm vui chơi cho khách du lịch; khai thác vốn văn hoá truyền thống nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của huyện; bảo tồn các lễ hội và làng nghề truyền thống như: đan lát, dệt vải của đồng bào dân tộc S’tieng … tạo ra các sản phẩm phục vụ khách du lịch.
Một nhà hàng nổi trên Hồ Suối Giai ở xã Tân Lập
   Tiềm năng du lịch của Đồng Phú đã được khẳng định, nhưng để phát huy được hết thế mạnh ấy, biến thành sản phẩm du lịch cụ thể, thu hút khách nội địa, tiến tới là khách quốc tế, đòi hỏi sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý điều hành của chính quyền, sự phối hợp của các đoàn thể và nhân dân thì mới có thể xây dựng được sản phẩm du lịch có tính dài lâu, hấp dẫn du khách.

Tác giả: Trường Thịnh - Minh Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1.8 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây