Chuyên gia Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng viện phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm quý giúp Tân Lập có định hướng đúng trong phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn
Hồ Suối Giai dài hơn 4km, nằm trên địa bàn ấp 2, 3, 4, 5, xã Tân Lập với diện tích mặt nước lớn, trong xanh, đẹp và yên bình, bao quanh lòng hồ là những vườn cây xanh mát, tươi tốt tạo nên khung cảnh thiên nhiên trữ tình, thơ mộng. Nét đẹp tự nhiên, trải dài của lòng hồ cùng với khí hậu có nền nhiệt cao, ít gió bão, không có mùa đông lạnh là tiềm năng, lợi thế để khai thác phát triển du lịch sinh thái, trở thành điểm đến hấp dẫn trong vùng. Đặc biệt, đập tràn tại ấp 5, mỗi tháng thu hút hàng ngàn lượt khách về tham quan, dã ngoại. Đây là điểm nhấn thúc đẩy du lịch cộng đồng trên địa bàn.
Mặt nước Hồ Suối Giai trong xanh, đẹp phù hợp tổ chức các trò chơi dưới nước
Đoàn khảo sát mặt nước hồ Suối Giai
Sau khi khảo sát mặt nước hồ Suối Giai, khu vực đập tràn, hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ, resort, homestay, … tại khu vực hồ Suối Giai, các thành viên trong đoàn đã tổ chức hội nghị tại UBND xã Tân Lập.
Chuyên gia Phạm Hải Quỳnh chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng Homestay cho một khu nghỉ dưỡng
Tại hội nghị, Phó Trưởng phòng du lịch, Sở VHTT và Du lịch tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Oai cũng đã thông tin về tính pháp lý trong việc quy hoạch khu vực Hồ Suối Giai và đề nghị UBND xã Tân Lập nghiên cứu đề xuất quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất, môi trường, phòng cháy chữa cháy, … thực hiện các bước lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thuận chủ trương xây dựng khu vực hồ Suối Giai thành điểm du lịch cộng đồng.
Khảo sát tại khu vực đập tràn
Các ý kiến tại hội nghị cho rằng việc phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực Hồ Suối Giai hiện còn tự phát, mang tính thời vụ, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt là ẩm thực, văn hóa bản địa, việc tổ chức các trò chơi trên mặt nước còn vướng hàng lang pháp lý,…
Tại đây, chuyên gia Phạm Hải Quỳnh đã trả lời những thắc mắc và chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng các khu du lịch cộng đồng, cách xây dựng cơ sở hạ tầng, trồng hoa, cây xanh hai bên đường, tạo công viên, cổng chào, biên dẫn, truyền thông, bố trí hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ, resort, homestay, ,… đặc biệt phải tạo điểm nhấn, khác biệt, giới thiệu ẩm thực địa phương, nét văn hóa độc đáo của người Khơ me sinh sống trên địa bàn để giới thiệu với du khách. Đồng thời, xây dựng khu vui chơi, mua sắm, chợ đêm, xây dựng các mô hình như: Hợp tác xã du lịch, phụ nữ khởi nghiệp, thanh niên khởi nghiệp, … tạo không gian check-in, quay phim, chụp hình, tạo clip để giới thiệu, chia sẻ, lan tỏa trên mạng xã hội, thu hút đông đảo du khách khắp nơi về tham quan, nghỉ dưỡng.