Năm 2022 một năm với nhiều điểm sáng về tín dụng chính sách
Thứ sáu - 30/12/2022 09:581.1320
Tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đồng Phú trong 20 năm qua được xem là bước đột phá quan trọng với việc cho ra đời một kênh tín dụng chuyên biệt, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt năm 2022 NHCSXH huyện đã thực hiện tốt việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ
Phát triển kinh tế đi đôi với giảm nghèo bền vững là một trong những chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong suốt những năm qua. Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, tỉnh Bình Phước, trong những năm qua huyện Đồng Phú đã triển khai nhiều chính sách và phương thức quản lý khác nhau về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, từ đó góp phần đáng kể cho công tác giảm nghèo trên địa bàn. Bên cạnh sự hỗ trợ nguồn tín dụng ưu đãi, phải khẳng định rằng sự nỗ lực phát triển kinh tế và vươn lên của hộ vay vốn đã giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững, rất nhiều gia đình có chất lượng cuộc sống được nâng cao, con cái được học hành đến nơi đến chốn, tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định. Đặc biệt hơn, trong năm 2022 thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống NHCSXH nói chung và NHCSXH huyện Đồng Phú nói riêng đã được Chính phủ giao nhiệm vụ chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của một số chương trình trong gói phục hồi kinh tế đến với những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 gây ra. Nhận thức được tầm quan trọng trong việc chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng nhằm giúp họ sớm ổn định cuộc sống và phục hồi kinh tế sau thời gian dài bị dịch Covid-19 làm kiệt quệ. Ngay từ đầu năm Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Phú đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn và hội đoàn thể nhận ủy thác xác định nhu cầu vay vốn, xây dựng kế hoạch về nguồn vốn để đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng ưu đãi cho đối tượng thụ hưởng, không để bất cứ khách hàng nào đúng đối tượng, có nhu cầu vay vốn nhưng không tiếp cận được vốn vay ưu đãi. Tính đến ngày 21/12/2022, Phòng giao dịch NHCSXH huyện được thực hiện giải ngân cho 2.761 khách hàng với số tiền hơn 108 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn giải ngân để phục vụ mục đích phát triển kinh tế chiếm 68%/tổng số vốn giải ngân, số vốn còn lại được giải ngân nhằm đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ chi phí cho học sinh – sinh viên đi học. Tổng dư nợ đến nay đạt 304,6 tỷ đồng, tăng trên 31 tỷ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng dư nợ đạt trên 11%. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện Đồng Phú đã hình thành nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng cây vú sữa Hoàng kim, Chery của gia đình ông Nguyễn Văn Ga ấp Đồng Bia, xã Tân Lợi; mô hình trồng quýt, bưởi da xanh của các hộ gia đình ở ấp Bàu Cây Me, xã Thuận Phú,… Bên cạnh đó, có nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học sinh – sinh viên để trang trải chi phí cho con đi học như: Gia đình bà Hồ Thị Hường, ấp Nam Đô, xã Tân Phước vay vốn để cho 3 người con đi học đại học; gia đình ông Lê Đức Ngọc ở ấp 5, xã Đồng Tâm vay vốn để 2 người con đi học,… Với đặc thù riêng biệt, tín dụng chính sách luôn được sự vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và UBND các xã, thị trấn. Với phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung, công đoạn qua các tổ chức chính trị - xã hội là Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên đã góp phần quan trọng trong thực hiện thành công công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới của huyện. Chia sẻ cách quản lý nguồn vốn cho vay hiệu quả, bà Nguyễn Thị Hà - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tại ấp 4, xã Đồng Tâm cho biết: Kể từ khi được bầu làm Tổ trưởng, bản thân đã tiếp cận, phụ trách và góp phần truyền tải về nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng được thụ hưởng trên địa bàn. Mục tiêu phải giúp đỡ bà con bằng khả năng, trách nhiệm được giao về hỗ trợ vốn vay ưu đãi, giúp giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Đến nay, tổ quản lý 56 hộ vay vốn, dư nợ đạt trên 2,35 tỷ đồng. Theo bà Hà, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ, đồng thời phát huy tốt tín dụng chính sách trên địa bàn thì cần duy trì họp tổ theo đúng định kỳ. Thông qua các buổi sinh hoạt, ngoài công tác chấp hành nộp lãi đúng hạn của các tổ viên, các tổ viên còn trao đổi, học tập lẫn nhau về kinh nghiệm sản xuất và chăn nuôi, đem lại hiệu quả cao với đồng vốn được vay. Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở bà con sử dụng vốn đúng mục đích, thu lãi hàng tháng, trả nợ đúng kỳ hạn theo cam kết khi vay vốn và gửi tiền tiết kiệm hàng tháng để dùng vào việc trả nợ dần, tích lũy vốn tự có cho gia đình tổ viên. Đến nay, dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện trên 303,5 tỷ đồng, với hơn 7.000 khách hàng đang vay vốn, chiếm 99,5% tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai tại đơn vị. Phải khẳng định rằng, phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gắn với thực hiện bình xét cho vay tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn dưới sự chứng kiến của tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã và trưởng ấp, ngân hàng giải ngân trực tiếp cho người vay tại các Điểm giao dịch xã được triển khai có hiệu quả trong những năm vừa qua, góp phần đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch và kịp thời. Đồng thời, thông qua phương thức cho vay này, các tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách, hoạt động của tổ chức hội được mở rộng, phong phú, uy tín được nâng lên, từ đó góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở.Trong những năm qua, vai trò của trưởng ấp trong triển khai tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở ngày càng được nâng lên, vừa góp phần giúp chuyển tải kịp thời các thông tin về chủ trương, tín dụng chính sách xã hội đến với nhân dân, vừa phát huy vai trò giám sát trong bình xét, lựa chọn đối tượng cho vay tại Tổ tiết kiệm và vay vốn, giám sát người vay sử dụng vốn. Kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý những trường hợp phát sinh dễ dẫn đến nguy cơ mất vốn trong quá trình sử dụng vốn của người vay. Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với NHCSXH huyện và các cơ quan liên quan đã giúp chất lượng tín dụng tại NHCSXH huyện Đồng Phú không ngừng tăng lên trong những năm qua khi nợ quá hạn, lãi tồn đọng giảm dần theo từng năm. Năm 2022 sắp kết thúc để bước vào năm mới 2023 và với những thành tích đã đạt được trong năm, tập thể Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Phú sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được để mang nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với nhiều khách hàng hơn, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn về tài chính,… trên địa bàn các xã, thị trấn. Tác giả: Danh Tuấn