Muốn làm giàu phải áp dụng KHKT

Thứ hai - 15/07/2024 16:11 178 0
Ở Bình Phước, khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển cây công nghiệp lâu năm. Tuy nhiên do giá cả thị trường bấp bênh, tình trạng “mất mùa được giá” hoặc “được giá lại mất mùa” thường xuyên xảy ra nên nông dân thường chuyển đổi từ cây trồng này sang cây trồng khác. Đối với anh Điểu Trinh, sinh năm 1970, người dân tộc S’tiêng, ngụ ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi đã 20 năm nay luôn duy trì 4 ha trồng điều và 4 ha cao su. Anh luôn tìm tòi, học hỏi và áp dụng KHKT vào chăm sóc cây trồng để nâng cao năng suất.
 
Anh Điểu Trinh thường xuyên theo dõi vườn cao su, điều để chăm sóc hợp lý
2023 là năm thứ ba liên tiếp cây điều bị mất mùa, năng suất các vườn điều giảm ít nhất là 20 đến 30%, nhiều thì 70 đến 80%. Riêng vườn điều của anh Điểu Trinh vẫn đạt năng suất 2,5 tấn/ha. Anh Điểu Trinh cho biết: Cây điều nếu được chăm sóc hợp lí thì năng suất sẽ cao, còn nếu không đến mùa vẫn ra hoa kết trái, nhưng năng suất kém hơn. Tuy nhiên cây điều hết sức mẫn cảm với thời tiết. Ba năm trở lại đây, lúc ra hoa đều gặp mưa trái mùa nên không thể kết trái mà khô dần rồi rụng đi. Năm nay thời tiết khắc nghiệt hơn, kèm theo sương muối, sâu bệnh dễ phát triển gây hại càng khiến năng suất điều giảm mạnh.
Anh Trinh cho biết, ngày nay diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, người nông dân phải tận dụng đất đai để nâng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật và tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất thì cây trồng mới cho năng suất cao. Vì vậy, anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư và tham khảo những mô hình kinh tế hiệu quả để áp dụng. Nhờ vậy, anh Trinh nắm vững kỹ thuật, hiểu tường tận quá trình sinh trưởng của cây để có cách xử lý kịp thời khi phát sinh nấm, sâu bệnh gây hại. Đối với cây điều, anh cho biết: “Trước đây, người trồng điều chủ yếu dựa vào thời tiết, ít áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật nên không có nhiều kinh nghiệm ứng phó với sâu, bệnh. Đặc điểm của cây điều là cho hoa nhiều đợt, do đó sau những cơn mưa trái mùa, rất dễ phát sinh nấm, bệnh thán thư và các loại sâu bọ tấn công gây khô cành, khô bông. Nếu không kịp thời chữa trị thì mùa điều thất thu là khó tránh khỏi”.
Chăm sóc điều không dễ như nhiều nông dân vẫn nghĩ, chỉ cần lơ là điều sẽ bị bệnh và nếu không dùng đúng thuốc, trị đúng cách thì bệnh càng nặng thêm. Do đó, anh thường xuyên theo dõi vườn điều để phát hiện, nhận biết bệnh sớm, chữa trị kịp thời. Cây điều thường bị bệnh khô cành, cháy lá, bệnh phát triển trong điều kiện nắng mưa xen kẽ, độ ẩm cao, đặc biệt với những vườn cây rậm rạp, bón phân không cân đối. Bệnh lây lan qua gió, nước, xâm nhiễm qua các vết thương trên thân cây. Để điều trị bệnh cần phun thuốc kết hợp các biện pháp canh tác khác như tỉa cành tạo tán, xông khói, dọn cỏ, chăm bón hợp lý. Ở thời kỳ điều ra bông nếu gặp mưa nhiều sẽ khiến các chùm bông bị ngậm nước, sau đó gặp nắng sẽ héo khô. Đây cũng là giai đoạn bông điều dễ bị nấm, phát sinh sâu bệnh, do đó phải thường xuyên thăm vườn để chữa trị kịp thời cho cây. 
Bên cạnh đó, anh còn duy trì 4 ha cao su, theo anh: Cây cao su phải thực hiện chế độ chăm sóc hợp lý thì cây mới phát triển tốt, anh thường xuyên dọn dẹp vườn sạch sẽ, mỗi năm bón phân 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa. Vào giữa mùa mưa, cây cao su hay bị bệnh nấm hồng, bọ trĩ nên phải xịt thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, người nông dân phải thường xuyên bám sát vườn cao su nếu phát hiện bệnh là phải điều trị kịp thời không để lây lan trên diện rộng. Cũng vì vậy, vườn cao su và điều của gia đình anh luôn cho năng suất cao. Năm 2023, anh thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Kinh tế ổn định, anh mua sắm được nhiều phương tiện, vật dụng đắt tiền như: ô tô, xe máy, tủ lạnh, máy giặt,… phục vụ đi lại và sinh hoạt gia đình.
Trưởng ấp Thuận Tiến Hà Xuân Đỉnh, cho biết: Gần 20 năm nay, anh Điểu Trinh luôn trung thành với cây điều, cao su, không chạy theo phong trào “trồng-chặt” rồi “chặt-trồng”. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế, anh luôn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, theo dõi kỹ sự phát triển của cây trồng và áp dụng KHKT vào chăm sóc nên năng suất luôn đạt cao, anh Điểu Trinh được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện nhiều năm liền.

Tác giả: Khắc Bảy

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết với ZaLo
Công báo thuộc UBNN Tỉnh
Tra cứu thủ tục hành chính
Lịch công tác của UBNN huyện
Quản lí văn bản
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập64
  • Hôm nay642
  • Tháng hiện tại138,702
  • Tổng lượt truy cập18,134,805
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây