Khu rừng Mã Đà có diện tích hơn 512 ha được xem là một trong những khu rừng còn nguyên vẹn nhất tại tỉnh Bình Phước và còn được biết đến với căn cứ cách mạng chiến khu D huyền thoại. Khu rừng năm xưa là căn cứ cách mạng, là trụ sở của Bộ tư lệnh miền Đông, nơi nhiều lãnh đạo lão thành cách mạng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh… từng hoạt động. Nơi đây vẫn còn giữ được dấu tích của hầm, hào, nhà ở, nhà làm việc, bệnh xá…còn lại từ thời kháng chiến gian khổ năm xưa. Khu rừng cổ thụ này không chỉ là chứng tích lịch sử, mà còn là lá phổi xanh của khu vực miền Đông Nam bộ và đang được những người cựu chiến binh bảo vệ nghiêm ngặt. Với nguyện vọng là giữ rừng bền vững để phát triển du lịch sinh thái, tôn tạo di tích lịch sử nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mai sau.
Thiếu tướng Khúc Đăng Tuấn, Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc cùng đoàn công tác trong 1 lần về tham quan và trồng cây tại tiểu khu 379 Mã Đà, thuộc Chiến khu Đ
Ngay đầu bìa rừng, một cây kơ nia cổ thụ hàng trăm tuổi, có gốc to đến hàng chục người ôm được dùng làm nơi tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cùng các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước. Trong rừng có hàng nghìn cây cổ thụ như bằng lăng, gõ mật, kơ nia, huỳnh đường, da, trường, bình linh… Ngoài ra còn có 54 cây gỗ mật, bằng lăng, kơ nia, chiêu liêu… đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN công nhận là cây di sản VN từ năm 2014. Đây là niềm tự hào rất lớn, đồng thời càng khiến chúng ta phải có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống cây di sản này. Đến nay sau gần 10 năm, khu rừng này tiếp tục được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận quần thể 162 cây di sản Việt Nam. 162 cây di sản này thuộc 15 loài, gồm 9 cây Bằng lăng, 4 cây Bình linh, 4 cây chiêu liêu, 1 cây gõ đỏ, 1 cây chôm chôm, 1 cây hoàng linh, 2 cây mít rừng, 1 cây lười ươi, 2 cây tung, 1 cây dầu cát, 2 cây chò chai, 1 cây đa, 1 cây xoan đào, 2 cây kháo nhậm và 130 cây Kơ nia.
Những cây di sản, biểu tượng thiêng liêng của rừng Mã Đà
Việc công nhận, chăm sóc, bảo tồn cây di sản thể hiện đạo lý nhân văn, bày tỏ lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân, đồng thời giúp lưu giữ nguồn gen quý, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. Cây di sản gắn với các di tích lịch sử nên nếu bảo tồn và phát huy tốt sẽ trở thành sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh độc đáo, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, tạo động lực bảo vệ môi trường tự nhiên.
Tuy nhiên, nhiều cây cổ thụ do có tuổi đời cao đang đứng trước sự xâm hại của các loại nấm, sâu bệnh, chặt phá của con người... Việc những cây cổ thụ có niên đại hằng trăm năm ngày càng ít dần là một mất mát lớn, không chỉ về ý nghĩa lịch sử - văn hóa mà còn ở khía cạnh đa dạng sinh học. Vì vậy, công tác bảo vệ, chăm sóc Cây Di sản rất cần sự chung tay của cả cộng đồng để bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của hệ thống các cây di sản.
Nhiều cây cổ thụ do có tuổi đời cao đang đứng trước sự xâm hại của các loại nấm, sâu bệnh nên cần được chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt
Hiện khu rừng lịch sử này được giao cho Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ B58 quản lý, bảo vệ. Điều đặc biệt, các thành viên của công ty đều là những cựu binh từng một thời sống dưới tán rừng, nhờ rừng che chở. Chính vì thế, họ coi rừng như một phần thân thể, bảo vệ nghiêm ngặt ngặt, bài bản và chuyên nghiệp. Ngoài ra, công tác trồng, phát triển rừng cũng được công ty phát huy tích cực.
Dù ở bất cứ thời điểm nào, cây di sản đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội. Việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây di sản là hành động thiết thực gìn giữ cho mai sau một kho giá trị khó có thể đong đếm. Vì vậy, cần giáo dục thế hệ trẻ biết trân quý những giá trị lịch sử gắn liền với những bước chuyển của quê hương.